EVFTA mang đến những cơ hội nào cho con tôm Việt?
EVFTA tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa / EVFTA: Nhận diện thách thức và giải pháp đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Cơ hội là rất lớn…
Chia sẻ tại hội nghị chuyên đề “EVFTA - Cơ hội và thách thức cho ngành tôm Việt Nam”, diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản - VIETFISH 2019, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, hiện tại các nước xuất khẩu tôm nhiều vào EU như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc và Thái Lan… lần lượt chiếm 15,1%, 10,9%, 9,1% và 7,9%; đều chưa có hoặc đang trong thời gian đàm phán FTA.
Trong khi đó, với EVFTA, sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) của Việt Nam sẽ được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đặc biệt hơn, doanh nghiệp trong ngành có thể nhập khẩu nguyên liệu tôm để đa dạng hóa nguồn cung từ khu vực EU với ưu đãi giảm thuế (cụ thể là tôm xuất khẩu mang mã HS 0306.17 đang phải nhập 80% nguyên liệu tôm).
Ảnh minh họa.
Từ phía các chuyên gia cũng chỉ ra những lợi thế khác mà EVFTA mang lại như ít đối thủ cạnh tranh đối với sản phẩm tôm chế biến (hiện chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia); Tôm chế biến có thuế suất 10 - 20% nếu không có GSP (Việt Nam đã có GSP) khiến các đối thủ vừa nêu càng khó lòng cạnh tranh vì chênh lệch giá thành nhập khẩu cao quá.
Một điểm đáng chú ý khác là khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng. Có nghĩa là phân khúc thị trường cao cấp rất rộng, đủ dư địa để các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thủy sản vừa tầm cung ứng của mình.
Nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng tiêu chuẩn của thị trường
Theo các chuyên gia, dù cơ hội là rất lớn nhưng EU không hẳn là thị trường dễ tăng trưởng. Nguyên nhân được VASEP chỉ ra là do ở thị trường EU các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành, đồng thời sản phẩm thủy sản của ta phải cạnh tranh với chính sản phẩm của các nước đối tác FTA…
Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA cũng như tránh những rủi ro, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, trước hết các doanh nghiệp thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của FTA. Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng.
Trên thực tế, hiện nay vấn đề trách nhiệm xã hội, cụ thể ở đây là lao động đang là cái khó của ngành tôm do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội Việt khác EU. Chuyện giờ làm thêm, ngày nghỉ là bài toán khó cho doanh nghiệp Việt trong hoàn cảnh ngành chế biến thủy sản là ngành khá vất vả, không thu hút được người lao động như ý muốn.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, khi vào vụ thu hoạch tôm, nếu không tăng ca có thể làm nguyên liệu hư hỏng, thiệt hại. Nếu tăng ca làm thêm giờ thì Bộ Luật lao động của ta tự ghè chân với quy định số giờ làm thêm hàng tuần, hàng tháng, hàng năm quá khiêm tốn. Trong khi đó, các hệ thống từ EU mua tôm của các doanh nghiệp Việt thuê bên thứ ba, họ có thể vào các cơ sở chế biến bất kỳ lúc nào để kiểm tra thực trạng và sổ sách.
Do đó, cùng với sự nỗ lực của ngành tôm, VASEP cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm sửa đổi một số điều khoản cho tương đồng khi hội nhập trong Bộ Luật lao động, Luật đất đai, thông thoáng hơn tín dụng cho nuôi tôm....
Theo các số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị phần tôm Việt Nam tại EU đã tăng dần trong 3 năm qua và năm 2018 EU đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm Việt Nam. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo