Thị trường

GDP quý 3/2020 ước tính tăng 2,62%: Mức tăng thấp nhất thập kỷ

DNVN - Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2020 của nước ta ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý 3 các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Bloomberg: Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi có cơ hội tăng trưởng dương / GDP năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2 - 2,5%, năm 2021 là 6,7%

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2020.

GDP quý 3/2020 tăng thấp nhất thập kỷ

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2020 của nước ta ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý 3 các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 - ảnh minh họa.

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Ảnh minh họa.

Tuy là mức tăng thấp nhất thập kỷ nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý 2/2020 do Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,65%, chỉ cao hơn mức tăng 0,02% và 0,91% của 9 tháng năm 2016 và năm 2019 trong giai đoạn 2011-2020; ngành lâm nghiệp tăng 2,02% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,44%, cao hơn mức tăng 2,11% và 1,81% của 9 tháng năm 2015 và năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020; ngành khai khoáng giảm 5,35% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%; ngành xây dựng tăng 5,02%.

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2020, cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký là 203.300 tỉ đồng, giảm 29,6%, số lao động đăng ký 83.000 lao động, giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.428.500 tỉ đồng, tổng số lao động đăng ký 777.900 lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký, giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14,4 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về xu hướng kinh doanh, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 27.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Bên cạnh đó, có 32,2% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh quý 3 tốt hơn quý 2, có 31,9% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh ổn định. Đồng thời có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Trong đó, ngành vận tải, kho bãi giảm 4%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03%. Tuy nhiên vẫn có một số ngành duy trì được mức tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 9/2020 giảm 0,33% so với tháng trước; tăng 32,37% so với tháng 12/2019 và tăng 30,33% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2020 giảm 0,05% so với tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12/2019 và giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 202,86 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 71,83 tỉ USD, tăng 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu.

Tính chung 9 tháng Việt Nam xuất siêu 16,99 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỉ USD, khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất siêu 27,51 tỉ USD.

Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời đưa ra các giải pháp để giữ được các thị trường tiêu thụ nông sản. Tận dụng và hòa nhập được các quy định Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA).
Đức Anh - Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm