Thị trường

Lâm Đồng: Khi nhà nông liên kết với doanh nghiệp để làm giàu

Do có lợi thế về khí hậu và tiên phong áp dụng công nghệ cao, Đà Lạt (Lâm Đồng) đang dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm rau, hoa của địa phương vốn nổi tiếng, nay lại càng khẳng định giá trị khi nông dân tham gia các mô hình liên kết với doanh nghiệp, chinh phục các thị trường cao cấp, khó tính, nâng cao uy tín thương hiệu.

Sơn La: Nơi này dân đổi đời nhờ bỏ ngô trồng bưởi Diễn trên đất dốc / Nam Định: Kỹ sư về quê trồng dưa lê Hàn Quốc, bỏ túi hàng trăm triệu

Ông Nguyễn Hữu Tiến (trú phường 7) cho biết: “Thấy được lợi ích khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, gia đình tôi đã đầu tư làm 5.000m2 nhà kính, chuyên trồng 2 loại hoa cắt cành là cúc và cẩm chướng để cung cấp cho Công ty Dalat Hasfarm”. Theo ông Tiến, ngay khi tham gia vào mô hình liên kết sản xuất với công ty này, ông và hàng trăm hộ dân khác đã không còn phải đau đầu tính toán chuyện trồng loại hoa gì, cách phòng trừ dịch bệnh ra sao, sản phẩm bán cho ai, mà chỉ cần tập trung sản xuất cho tốt theo đơn đặt hàng. Nhờ đó, mức thu lãi của gia đình ông luôn đảm bảo ổn định đạt trên 600 triệu đồng/năm.

1Nhờ liên kết sản xuất với các công ty, người dân tại TP.Đà Lạt đã nâng cao được thu nhập. Ảnh: P.V

Ông Hà Duân (một hộ sản xuất rau lâu năm tại TP.Đà Lạt) cũng cho biết: “Gia đình tôi liên kết sản xuất với Hợp tác xã (HTX) Mai Anh Đào và được HTX hỗ trợ về học tập, kỹ thuật, quy trình sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên rất yên tâm. Nhờ liên kết, doanh thu của gia đình đã tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với trước đây. Nếu như trước đây, gia đình tôi chỉ thu 100 triệu/sào/năm, thì khi tham gia HTX, doanh thu đạt trên 150 triệu đồng và lãi được trên 70 triệu đồng/sào”.

Theo ông Nguyễn Công Thừa - Tổng Giám đốc HTX Mai Anh Đào, ngoài các xã viên của mình, hiện HTX đã mở rộng thực hiện liên kết sản xuất rau xanh các loại theo hướng an toàn với gần 200 hộ nông dân, trong đó, phần lớn là người dân tộc thiểu số của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Nếu năm 2010, HTX tiêu thụ 6.000 tấn rau cho nông dân với mức doanh thu 45 tỷ đồng, đến năm 2017, mức tiêu thụ đã nâng lên 44.000 tấn, doanh thu tăng lên đến 210 tỷ đồng và lợi nhuận đạt gần 21 tỷ đồng. “Hiện nhu cầu rau an toàn trên thị trường rất lớn, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Vì vậy, HTX đang tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ để thu hút thêm nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất cùng HTX” - ông Thừa nhấn mạnh.

Tại Đà Lạt, nhờ liên kết sản xuất với các HTX và các công ty trên địa bàn thành phố, nông dân đã đạt doanh thu bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ đạt doanh thu 600 triệu đồng/ha/năm, theo đó lợi nhuận cũng tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Theo danviet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm