Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả: DN chân chính chịu thiệt
DNVN - Việc lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới, và thậm chí trên cả những sàn TMĐT lớn, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hà Nội: Nguồn cung bất động sản giảm mạnh trong quý I/2019 / Hà Nội đặt mục tiêu có 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến hết năm 2020
Tốc độ phát triển của TMĐT phát sinh nhiều vấn đề liên quan
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử" do Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kỹ thuật số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức vào sáng 18/4 tại Hà Nội.
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% - 30%/năm Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ TMĐT (B2C) đạt trên 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, song hành với tốc độ phát triển của TMĐT cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan.
"Do tính chất đặc thù của TMĐT như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet", Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Toàn cảnh hội thảo.
Việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn TMĐT lớn..., gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vấn nạn nghiêm trọng này, theo như cách nói của Jack Ma - nhà sáng lập và điều hành Tập đoàn Alibaba là căn bệnh ung thư của các website TMĐT - đặt ra yêu cầu lớn cho các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động giám sát, xử lý cũng như sự phối hợp giữa bộ, ban, ngành trong công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.
Đánh giá cao việc Cục TMĐT và Kỹ thuật số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức hội thảo, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho rằng sự kiện diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam đang vận hành nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc CMCN 4.0 được cả thế giới quan tâm, sự bùng nổ của TMĐT mang lại lợi ích cho DN và xã hội.
"TMĐT ngày càng có vai trò quan trọng đối với kinh tế đất nước. Nhưng thực tế hoạt động này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng TMĐT để kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều website giả mạo các DN uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa nhằm lừa dối NTD...", ông Thế nhấn mạnh.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến hết năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 52.000 vụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhiều đường dây của nhóm tội phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được triệt phá...
Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ DN và người tiêu dùng. Nhưng kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và nguyện vọng của nhân dân.
Nói không với hàng giả là trách nhiệm của toàn xã hội
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Thế khẳng định TMĐT là một phần hay toàn bộ trong quá trình thương mại được thực hiện trong không gian mạng. Vì vậy, lực lượng chức năng nhiều nơi nhiều lúc chưa nhận diện được đầy đủ các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có chủ động phát hiện và xử lý.
Hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp phát triển của công nghệ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Năng lực, trang thiết bị quản lý trang bị cho các lực lượng chức năng còn hạn chế, đặc biệt công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng có lúc cơ nơi chưa kịp thời và chưa thường xuyên.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn hạn chế, đặc biệt là kỹ năng nhận diện hàng giả và hàng thật của NTD chưa cao, người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, dẫn đến chịu thiệt.
Một số tập đoàn, DN chưa chủ động đăng ký bảo hộ sản phẩm, chưa chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn ngừa các hành vi làm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nói chung và TMĐT nói riêng.
Cùng chung quan điểm với ông Thế, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đánh giá, TMĐT đang là trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng gian hiệu quả, thậm chí, hàng cấm cũng được bày bán tràn lang trên mạng xã hội. Ông Linh dẫn chứng ví dụ cách đây nửa tháng, lực lượng quản lý thị trường đã bắt vụ bán hàng kích dục trị giá lớn gần 2 tỉ đồng.
Đề cập tới giải pháp, ông Đàm Thanh Thế cho biết: Thời gian tới cần phải tiếp tục bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng DN. Thực tế hiện nay không ít người tiêu dùng bị thiệt hại kinh tế do mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều DN, nhiều tổ chức có danh tiếng đã bị các đối tượng làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng đến thương hiệu.
Cần xác định công tác phòng chống vi phạm trên môi trường kinh doanh TMĐT về hàng giả, hàng kém chất lượng phải được nhận diện đúng, đấu tranh liên tục thường xuyên với sự tham gia của toàn xã hội, trong đó lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 như hải quan, công an, quản lý thị trường ... là nòng cốt và phối hợp với các lực lượng chuyên ngành. Ngoài ra, cần rà soát các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT của các tổ chức cá nhân, kịp thời phát hiện, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xây dựng các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để xử lý ngăn chặn kịp thời có hiệu các hành động gian lận và vi phạm liên quan đến TMĐT.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vi phạm PL TMĐT, chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức của NTD, không tiếp tay cho các hoạt động vi phạm.
Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ của 1 bộ, ngành, địa phương mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Ban Chỉ đạo 389 cam kết thực hiện tốt trọng trách được giao, phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo vệ DN và người tiêu dùng...
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" với sự tham gia của đại diện một số sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam như Sendo, Tiki, Adayroi, Lazada, và shopee. Theo đó, 5 "ông lớn" này sẽ gắn logo "nói không với hàng giả" trên website nhằm minh bạch thông tin về số hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn. Các doanh nghiệp đã thể hiện rõ trách nhiệm rõ quyết tâm và trách nhiệm trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển TMĐT bền vững. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo