Mở nhiều lối ra cho nông sản hậu Covid-19
Tổng cục QLTT trong tâm thế mới đón trọng trách lớn / Đà Nẵng: Chấp thuận cho đầu tư gần 4.000 tỉ đồng vào Khu phức hợp đô thị Phương Trang
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu (XK) sang Singapore từ cảng Hải Phòng trong tháng 6 vừa qua. Năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu, được xử lý đóng gói bài bản qua kênh nhập khẩu chính thức của Tập đoàn bán lẻ FairPrice đã được đưa vào thị trường Singapore với quy mô lớn.
Đẩy mạnh xuất khẩu thương hiệu nông sản Việt
Điểm đáng chú ý trong việc đưa trái vải vào hệ thống bán lẻ ở Singapore, đó là thương vụ đã liên tục tổ chức các đoàn đưa nhà nhập khẩu trái cây Singapore về Việt Nam trong 3 năm liền để tìm kiếm các sản phẩm trái cây mới của Việt Nam.
Đối với chuỗi siêu thị FairPrice, hiện nắm tới 70% thị phần bán lẻ của Singapore, phía thương vụ đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ trao đổi thường xuyên với đại diện mua hàng của họ để giới thiệu và thuyết phục nhập khẩu các mặt hàng mới.
Trong bối cảnh Singapore vẫn tiến hành các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, có thể thấy việc vượt qua các thách thức để tạo kênh tiêu thụ cho trái vải Việt thông qua đầu mối siêu thị lớn ở nước này là rất đáng khích lệ.
Theo giới chuyên gia, việc thúc đẩy XK lẫn tăng cường tiêu thụ ở thị trường trong nước, mở nhiều lối ra cho nông sản Việt hậu Covid-19 thông qua những giải pháp tích cực các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cho đến doanh nghiệp (DN) là rất cần thiết trong lúc này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm 2020 là năm khó khăn nhất cho ngành hàng nông sản do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tuy vậy, các DN và hiệp hội ngành hàng vẫn đang quyết tâm cao nhất để từ nay đến cuối năm đạt “giá trị cao nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất”.
Như chia sẻ của ông Cường, dù đối mặt rất nhiều thách thức lớn, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đã tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 1,16%.
Trong đó, nông nghiệp (bao gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 0,5%, lâm nghiệp tăng 2%, thuỷ sản tăng 2,1%. Vì vậy, sản lượng các mặt hàng nông sản tăng mạnh, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và XK.
Điểm đáng ghi nhận, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đó là cơ cấu sản xuất nông sản tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm nông sản có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường, đồng thời giảm các sản phẩm đang có xu hướng tăng cung, giá thấp.
Để đầu ra ở thị trường nước của nông sản được thúc đẩy tốt hơn nữa, như lưu ý của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đó là các DN trong ngành hàng nông sản cần XK có thương hiệu của mình. Nếu không có thương hiệu sẽ không thâm nhập được vào chuỗi thương mại toàn cầu.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ
Đứng ở góc độ hỗ trợ các DN địa phương trong ngành hàng nông sản khơi thông đầu ra ở thị trường trong nước lẫn quốc tế hậu Covid-19, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh bên lề chương trình hợp tác kinh doanh, kết nối cung cầu giữa tỉnh Đồng Tháp và Tp.HCM tổ chức ngày 2/7, ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cho biết về việc ký kết với một số hệ thống bán lẻ hiện đại ở Tp.HCM như Co.op mart, Big C, Gigamall, Bách hoá xanh...để đưa các sản phẩm nông sản đặc sản của Đồng Tháp vào tiêu thụ.
“Đó là điều kiện để giúp các cơ sở sản xuất, DN ở Đồng Tháp tiêu thụ được sản phẩm. Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh Đồng Tháp là những sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh đều được đưa vào tất cả các điểm du lịch trong tỉnh nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm”, ông Thành nói.
Cũng theo vị giám đốc này, việc mở đầu ra cho nông sản thông qua kênh bán hàng trực tuyến (online) đang được tỉnh Đồng Tháp chú trọng. Điển hình như việc tỉnh đang quản lý một sàn giao dịch thương mại điện tử để tất các DN có tiềm lực còn khiêm tốn được hỗ trợ đưa sản phẩm vào và kết nối với khách hàng tốt hơn, thông qua đó giúp DN tiêu thụ được sản phẩm của mình.
Còn dưới góc nhìn từ DN, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc marketing của CTCP Ong mật Tp.HCM (Behonex), cho rằng để đầu ra sản phẩm nông sản của DN được tốt sau giai đoạn dịch Covid-19 thì khâu tiếp thị là rất quan trọng, cũng như có sự hỗ trợ của trung tâm xúc tiến thương mại để tăng cường thêm việc quảng bá, xúc tiến bán hàng.
Như với sản phẩm mật ong, theo ông Minh, đây là mặt hàng có triển vọngđầu ra ở thị trường XK rất lớn. Nhất là khi tổng sản lượng khai thác mật ong của cả nước mỗi năm vào khoảng 60.000 tấn, nhưng số lượng tiêu dùng trong nước chỉ vào khoảng 5.000 - 6.000 tấn, còn lại là XK.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các DN sản xuất mật ong trong nước chưa XK mật ong thành phẩm mà mới chỉ XK mật ong nguyên liệu. Có nghĩa là các DN mới chỉ “bán lúa non” cho nước ngoài. Cho nên, ngoài việc mở nhiều lối ra cho ngành mật ong nói riêng hay các ngành nông sản khác thì rất cần hướng tới XK sản phẩm chế biến thành phẩm để tăng giá trị đầu ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Các cơ sở sản xuất nông sản ở Đồng Tháp đang được hỗ trợ xúc tiến đầu ra