Thị trường

Ngành nông nghiệp không muốn xuất khẩu 'lỡ hẹn' 42 tỷ USD

Để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn và cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã tính toán mục tiêu tăng trưởng cho từng thị trường.

TP.HCM: Miễn tiền nước cho hộ nghèo và các khu cách ly chống dịch Covid-19 / WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,9% năm nay

Quý I xuất khẩu đạt 9,06 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 3, kim ngạch xuất khẩunông lâm thủy sảnước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng 3/2019 nhưng tăng 16,6% so với tháng 2/2020; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 1,6 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,1 tỷ USD, thủy sản đạt 549 triệu USD và chăn nuôi đạt 43 triệu USD,…

Để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn với ngành nông nghiệp (Ảnh tư liệu)
Để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn với ngành nông nghiệp (Ảnh tư liệu)

Tính chung quý I, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 3,1%; lâm sản chính đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16,13%; thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,0%; chăn nuôi ước đạt 109 triệu USD, giảm 21,8%.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ gạo, rau, sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre,.. Cụ thể: Gạo đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%); rau đạt 144 triệu USD (tăng 1,41%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,62 tỷ USD (tăng 15,9%); mây, tre, cói thảm đạt 134 triệu USD (tăng 24,3%).

Những mặt hàng giảm nhiều, như: Cao su đạt 331 triệu USD (giảm 26,1%), chè đạt 37 triệu USD (giảm 19%), hồ tiêu đạt 163 triệu USD (giảm 13,9%), quả đạt 836 triệu USD (giảm 12,5%), cá tra đạt 238 triệu USD (giảm 61,5%),…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính có sự thay đổi về thị phần. Theo đó, Mỹ chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 21,4% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9% và chiếm 13,1% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 802 triệu USD, tăng 2,72%, chiếm 8,9% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 970 triệu USD, tăng 16,4% và chiếm 10,7% thị phần.

 

Dự báo xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn. Đáng kể những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, đồ gỗ đang đứng trước tình cảnh bị đối tác huỷ, hoãn đơn hàng.

Đơn cử, đại dịch Covid-19 khiến ngành gỗ đứng trước khả năng không có đơn hàng kể từ tháng 4/2020 cho đến năm 2021. Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cho biết liên tiếp nhận được các thông báo hủy đặt hàng, giãn đơn hàng trong thời gian gần đây từ 5 thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tỷ lệ các đơn hàng của các doanh nghiệp được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Còn tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao từ 20-40%.

Ứng biến với từng thị trường

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT thừa nhận, để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn và cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài; cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU.

 

Theo đó, ngành nông nghiệp cũng cần thực hiện các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch. Tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Mỹ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả Rập Xê-út.

Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể trụ vững trong giai đoạn hiện nay. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết hơn bao giờ hết doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành. Sự giúp đỡ này sẽ giúp doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tồn tại, trụ lại được sau đại dịch để một khi đại dịch lắng dịu, nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi động lại, phục hồi nhu cầu tiêu dùng, thì doanh nghiệp chế biến gỗ Việt còn có nội lực, còn có sức cạnh tranh trước những đối thủ như Trung Quốc... vốn được Chính phủ các nước này hỗ trợ mạnh mẽ.

"Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ Việt không nhận được sự hỗ trợ sẽ chứng kiến tình trạng đóng cửa, phá sản lan tràn trước nguy cơ mất hết thị phần xuất khẩu ở ngay chính các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... mà cộng đồng doanh nghiệp đã dày công xây dựng và phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua", ông Lập chia sẻ.

Theo đó, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị: Chính phủ sớm xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ các nước quản trị rừng tốt như EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

 

Về vấn đề thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods Group mong muốn: Nhà nước đàm phán với phía Trung Quốc để gia tăng số lượng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như chanh leo, khoai lang, sầu giêng... Đây là cách để xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, ngành nông nghiệp không thể bỏ thị trường truyền thống là Trung Quốc, vì nông sản chủ yếu xuất thô nên không thể đi xa. Tuy vậy, chắc chắn phải tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng chưa khai thác tốt như Trung Đông, tổ chức lại sản xuất trong nước, tăng cường chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm