Nông sản sang Trung Quốc vẫn "tắc", doanh nghiệp cần chủ động hơn trong kế hoạch tiêu thụ
DNVN - TS Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ NN-PTNT dự báo Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ nông sản trong thời gian tới.
Khánh Hoà: Tạo điều kiện đặc biệt để vận chuyển hàng hóa, nông sản / Cà Mau: Đề nghị xử lý các trường hợp đăng tải thông tin không chính xác về thu mua nông sản
Hàng trăm ngàn tấn nông sản vào vụ khó tìm đầu ra
Trước những biến động khắc nghiệt của thị trường, ngay từ tuần trước, lãnh đạo Bộ NN-PTN, Ban chỉ đạo Phát triển thị trường của Bộ đã chỉ đạo Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức “Diễn đàn Kết nối sản xuất – chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa”.
Sáng 6/1, Ban phát triển Thị trường Nông sản Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo tổ chức “Phiên thứ XIX: Diễn đàn trực tuyến sản xuất và tiêu thu thanh long”. Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất.
“Phiên thứ XIX: Diễn đàn trực tuyến sản xuất và tiêu thu thanh long”
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, dự báo sản lượng Quý I/2022 các tỉnh phía Nam lên tới gần 1.400 tấn, tập trung nhiều ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Tuy nhiên, hiện có đến 300.000 tấn đang vào vụ và chưa có hướng cụ thể về đầu ra. Điều này đặt ra bài toán khó cho vấn đề tiêu thụ và sản xuất nông sản ngay từ những ngày đầu năm mới.
Ngay trong ngày hôm qua, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn cũng đã có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu. Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch.
TS Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ NN-PTNT dự báo: Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ trong thời gian tới.
“Yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Cùng với đó là chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây. Năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, khi đó việc tiêu thị sẽ vô cùng khó khăn”, TS. Lê Thanh Hòa nói.
Chủ động kế hoạch tiêu thụ
Đưa ra khuyến nghị, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng giải pháp tiêu thụ cây ăn quả cần tập trung vào việc nắm sát sản lượng, chất lượng cây ăn quả, đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể và kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây, tiếp tục đẩy mạnh bảo quản, chế biến trái cây và chủ động kế hoạch tiêu thụ.
Đối với các doanh nghiệp, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT cho rằng doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình, cũng như khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý.
Chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Ngoài ra, các ý kiến tại Diễn đàn đề xuất các cơ quan chức năng cần thay đổi cách tiếp cận về An toàn thực phẩm - từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm và đảm bảo đáp ứng qui định an toàn thực phẩm của thị trường.
Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nông sản chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản
Đáng chú ý, phát biểu tại Diền đàn, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cao những sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam.
“Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến. Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý, hệ thống phân phối tại thị trường nội địa Nhật Bản phức tạp, trong khi những sản phẩm nông sản của Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn được phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản trong thời gian tới”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Cột tin quảng cáo