Thị trường

Quyết liệt đột phá vào những thị trường mới

DNVN - Dù kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay. Theo Bộ Công Thương, một trong những giải pháp cần được tập trung để thúc đẩy hoạt động thương mại trong thời gian tới là quyết liêt đột phá vào những thị trường mới.

Thị trường điện lạnh “tăng nhiệt” theo thời tiết / Hơn 100 doanh nghiệp tham gia hội chợ hàng Việt 2023 tại Đà Nẵng

Tín hiệu phục hồi
Với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 5 phục hồi tích cực, tăng khá so với tháng trước. Cụ thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 55,86 tỷ USD tăng 5,3% so với tháng 4, nhưng giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phục hồi tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hoá xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ có một số ít mặt hàng có giá xuất khẩu tăng.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cao hơn 3 mặt hàng so với 4 tháng đầu năm), chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

5 tháng đầu năm 2023, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Đồng thời, một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu... cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 42,4 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 26,8%. Thị trường ASEAN đạt 17,2 tỷ USD, giảm 15,2%. Các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ lần lượt giảm 10,6%, 12,3% và 2,7%.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,24 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 5 tháng năm 2023 là 9,8 tỷ USD.
Kỳ vọng phục hồi tốt hơn
Bộ Công Thương nhận định, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.
Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Tại Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điểu này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Trong khi đó, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu.
Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Tuy nhiên, các Hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi về thuế quan tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Quyết liệt đột phá vào thị trường mới
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, cần tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Đặc biệt, cần quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico, Indonesia, thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Đồng thời, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tốc độ thông quan hàng hoá.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm