Thị trường

Sản xuất lúa, gạo: Ứng dụng công nghệ để bảo quản, chế biến vẫn là khâu yếu nhất

Tại cuộc hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam ngày 19/9, nhiều chuyên gia cho rằng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

Con đường duy nhất cho lúa gạo là nâng cao chất lượng / Hỗ trợ tín dụng với doanh nghiệp mua lúa gạo

Sản xuất lúa, gạo: Ứng dụng công nghệ để bảo quản, chế biến vẫn là khâu yếu nhất - 1
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất xuất khẩu toàn thế giới, gạo Việt Nam có mặt ở khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện tại có 177 thương nhân Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo.

>> Xem thêm: Sắp ra mắt bộ quà tặng gốm sứ cao cấp đến từ Nhật Bản

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng liên tục cả về lượng và giá trị giai đoạn 2016-2018, nhưng 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo tăng 0,1% về lượng và giảm gần 15% về giá trị (đạt 1,96 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 65% về lượng và giảm 67% về giá trị. Quốc gia tỷ dân này đã không còn là thị trường dễ tính khi họ tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý biên giới.

Với diện tích khoảng 1,7 triệu ha đất lúa, hàng năm vùng ĐBSCL gieo trồng khoảng 4,2 triệu ha lúa. Những năm gần đây, diện tích gieo trồng các nhóm giống lúa thơm, đặc sản và giống lúa chất lượng cao liên tục được gia tăng và giảm dần các nhóm lúa chất lượng trung bình và thấp.

TS Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, kết quả điều tra năm 2017 cho thấy có trên 50 giống đang được bà con nông dân sử dụng, trong đó phổ biến nhất là khoảng 10 giống với diện tích gieo trồng bình quân cả năm trên 100 ngàn ha/giống.

 

Tuy nhiên, diện tích lúa sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ còn quá ít và chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhóm giống theo tiểu vùng sinh thái. Mặt khác, giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Trong thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản phẩm gạo của mình, tạo ra những sản phẩm đột phá có chất lượng cao. Từ mẫu mã, hình thức, đóng gói... cũng như duy trì chất lượng gạo tốt, không bị biến chất trong quá trình bảo quản, lưu thông. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tập trung xây dựng được thương hiệu như thế này chưa phải là nhiều so với tổng lượng gạo xuất khẩu đi".

Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các doanh nghiệp là chủ thể của chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, để ngành gạo Việt Nam phát triển ổn định thì chúng ta phải chọn những sản phẩm nào có giá trị cao, được nhiều thị trường chấp nhận để phát triển, chẳng hạn như gạo Jasmine được rất nhiều nước trên thế giới chấp nhận và sử dụng nhiều.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải đổi mới, cải tiến thiết bị kỹ thuật là hết sức cần thiết, nếu không chúng ta sẽ mất dần thị trường. Các doanh nghiệp dù muốn hay không cũng phải xây dựng cơ chế quản lý về các chất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề hóa chất, vấn đề bảo quản sau thu hoạch... để vượt qua được các rào cản kỹ thuật ngày càng khắc khe của các nước phát triển.

 

Theo Hoàng Tùng/dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm