Thanh Hóa: Giảm nghèo nhanh và bền vững ở Thường Xuân
Khôi phục làng nghề giúp xoá đói giảm nghèo ở Hà Giang / Liên minh HTX tỉnh Điện Biên giúp xã Na Ư xóa đói, giảm nghèo
Để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Thường Xuân kêu gọi, vận động nhân dân đầu tư nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, mang thương hiệu riêng từ đó gia tăng lợi nhuận, tạo việc làm cho người dân.
Phát triển sản xuất hàng hóa
Xuất phát điểm của Thường Xuân vốn là huyện nghèo có điều kiện kinh tế thấp, sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp, tập quán sản xuất lạc hậu. Trong đó công nghiệp và dịch vụ lại chậm phát triển nên không hỗ trợ nhiều cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác ít, địa hình dốc, không chủ động được nước tưới lại thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán kéo dài nên sản xuất nông nghiệp chậm phát triển, điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn chưa qua đào tạo, chất lượng lao động thấp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác giảm nghèo.
Xác định rõ, Nghị quyết 30a là chương trình lớn, có ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội, được toàn xã hội quan tâm nhằm thực hiện tốt hơn các chương trình, chính sách, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chính vì vậy, ngoài hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…, huyên Thường Xuân đã tập trung hỗ trợ người dân giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Để làm được điều này, những năm qua huyện Thường Xuân đã tập trung dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai để sản xuất tập trung, sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Huyện vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp vào địa bàn huyện.
Đến nay, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Tiêu biểu là công ty CP Hạ tầng cảnh quan Hoàng Gia đã đầu tư trồng bưởi diễn trên diện tích 10ha, thuộc địa bàn xã Ngọc Phụng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật như, đầu tư cơ giới hóa làm đất, hệ thống tưới nhỏ giọt, thực hiện bón phân hữu cơ, doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 300 triệu đồng/ha.
Điều đặc biệt là mô hình sản xuất của HTX không chỉ tạo nguồn thu cho các hộ dân cho doanh nghiệp thuê đất dài hạn mà đơn vị này còn tạo điều kiện để người dân có việc làm trên chính mảnh đất của mình. Thông qua công ty, người dân được tiếp cận với quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi với những quy định khắt khe nhưng mang lại hiệu quả cao hơn.
Đến nay, huyện đã hình thành được vùng lúa thâm canh trên diện tích 230 ha tại các xã Ngọc Phụng, Xuân Dương, Thọ Thanh; 95 ha mía thâm canh tập trung tại xã Thọ Thanh, Xuân Dương; cây ăn quả tập trung tại xã Thọ Thanh, Ngọc Phụng, Xuân Cẩm, Luận Thành, Lương Sơn, với diện tích 56 ha; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Dương, Thọ Thanh, Ngọc Phụng; mô hình sản xuất cây thức ăn cho gia súc tại các xã vùng cao...
Các mo hình này đều chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình còn đầu tư xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi, như: Mô hình chăn nuôi gà lông màu ở xã Luận Thành, quy mô trên 1.000 con; trang trại chăn nuôi bò vàng ở xã Lương Sơn; chăn nuôi lợn nái sinh sản ở các xã Xuân Thắng, Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Bát Mọt. Phong trào cải tạo vườn tạp cũng đang mang lại thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các xã.
Thay đổi đời sống
Với sự cố gắng của các xã, cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban ngành cấp tỉnh, huyện nghèo Thương Xuân đã từng bước hoàn thành các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.
Kế hoạch của UBND huyện trong năm 2018, Xuân Lộc phải giảm được 148 hộ nghèo (15,6%). Con số này là rất cao, để giảm nghèo theo đúng lộ trình, xã đã xây dựng kế hoạch, lập danh sách từng hộ có khả năng thoát nghèo giao đến từng thôn phụ trách, từ đó có phương hướng tháo gỡ, giúp đỡ…
Tiêu biểu tại xã Xuân Lộc, để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững hàng năm, xã đã phối hợp với các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; các ngân hàng thương mại... cho người dân vay vốn sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi bằng cách lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để triển khai hỗ trợ sản xuất như: trồng keo lai, trồng cây sa nhân, nuôi bò cái sinh sản, nuôi ong lấy mật … Ngoài ra, các loại cây quế, luồng cùng các loại cây nông nghiệp khác như: lúa, khoai, sắn, rau, đậu… cũng được tập trung phát triển, giúp đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ đó, chỉ tính riêng trong năm 208, xã đã hoàn thành mục tiêu giảm được 148 hộ nghèo (15, 6%). Đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới.
Xuân Lộc chỉ là một trong số các xã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững 30a. Có thể nói, Nghị quyết 30a đã được triển khai có hiệu quả tại huyện nghèo Thường Xuân. Đời sống của người dân nơi đây đã được ổn định. Cơ sở hạ tầng không ngừng được nâng cấp khang trang hơn. Từ việc được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống, vật nuôi... người dân cơ bản đã tích cực chủ động tăng gia sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho lao động tại chỗ, thu nhập người dân nhờ đó đã được ổn định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo