Thị trường

Thành lập tổ công tác Liên Bộ để thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa đại dịch Covid-19

DNVN – Để tháo gỡ khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa đại dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp cho thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, tránh việc ứ đọng cục bộ.

Phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt đã giúp kinh tế từng bước phục hồi / Đà Nẵng: Giá cả hàng hóa bình ổn, lượng đặt hàng online tại các siêu thị tăng gấp 3 lần

Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang có những diễn biến phức tạp khiến cho hoạt động giao thương trong và ngoài nước vẫn chưa thể bình thường trở lại, bà con nông dân cả nước lại đang đứng trước lo lắng và thách thức lớn khi đây là thời điểm chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ một số loại nông sản như vải, nhãn ở miền Bắc, thanh long ở Nam Trung Bộ…

Từ kinh nghiệm đã trải qua trong năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đề xuất các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp cho thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.

Tại "Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19" ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, có 6 vướng mắc cần giải quyết để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Bộ NN-PTNT “gỡ khó”, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa đại dịch Covid-19.

Bộ NN-PTNT “gỡ khó”, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa đại dịch Covid-19.

Cụ thể, thứ nhất là cần hỗ trợ về tài chính, các gói hỗ trợ cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn. Thứ hai là áp lực về thuế và phí, do thương mại gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, dẫn đến chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao tạo áp lực về tài chính.

Thứ ba, hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Vướng mắc tiếp theo là tìm cách điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Vướng mắc thứ 5 là thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đầu vào và cuối cùng là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ cần được kết nối chặt chẽ hơn.

Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trước hết ngành nông nghiệp sẽ vừa tập trung sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đại diện Bộ NN-PTNT cũng cho biết, sẽ thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán.

Đặc biệt, Bộ sẽ có văn bản gửi đến các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt tăng trưởng khá; riêng thị trường EU có xu hướng giảm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ NN-PTNT chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm