Thị trường

Thị trường bất động sản 2020 sẽ có sự sàng lọc mạnh

DNVN - Đây là một trong những nhận định được các diễn giả đưa ra tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2019 (VRES 2019) do Kênh thông tin Batdongsan.com.vn, thành viên của Tập đoàn PropertyGuru, tổ chức hôm 12/12 tại Hà Nội.

10 năm thị trường trái phiếu Chính phủ: Những kết quả nổi bật / Cao Bằng chú trọng nâng cao chất lượng nông sản

Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết: Năm 2019, GDP của Việt Nam đạt 6,98% và dự kiến năm 2020 GDP vẫn có thể đạt mức khá cao từ 6,6%-6,8%. Có thể kể đến những điểm cộng tích cực cho thị trường như: GDP 2019 tại Việt Nam hiện đang tăng trưởng tốt nhất trong 9 năm qua, CPI có mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,1 tỷ USD.
2020 - năm nhiều thách thức với thị trường BĐS
Tuy nhiên, những khó khăn thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam phải đối mặt sẽ là việc siết chặt cấp phép các dự án mới và tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản. Thực tế, nhu cầu về BĐS vẫn còn rất tiềm năng nhưng từ quý 3/2019 thị trường cũng bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc. Theo tổng hợp của Batdongsan.com.vn, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội và TP.HCM năm 2019 sụt giảm 52% so với 2018.
Bên cạnh đó, tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán cũng giảm 25%, ước tính chỉ đạt khoảng 43,000 căn hộ trong năm 2019. Số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn từ 2020-2022 được Batdongsan.com.vn dự báo sẽ khó đạt được mức đỉnh như giai đoạn 2017-2018. Số lượng tin đăng trên Batdongsan.com.vn - phản ánh phần nào nguồn cung sơ cấp và thứ cấp của thị trường và mức độ quan tâm - là một dữ liệu có thể so sánh về nguồn cầu của thị trường cũng đang thể hiện sự chênh lệch đáng kể, cụ thể tin đăng của năm 2019 tăng 42% so với năm 2018 nhưng mức độ quan tâm chỉ tăng 2,8%.
Đánh giá về nguồn vốn đối với thị trường BĐS, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, nguồn vốn tín dụng vào thị trường BĐS vẫn tăng trong 10 tháng năm 2019. Cụ thể: Cho vay xây dựng đạt gần 800 ngàn tỷ VND, tăng 8,5%; Cho vay KD BĐS tăng khoảng 5,5%; Cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19%; Tổng dư nợ tín dụng BĐS: khoảng 1,5 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế (không kể cho vay xây dựng).

Toàn cảnh VRES tại Hà Nội ngày 12/12/2019.
Trong khi đó, đối với vốn tư nhân, tính đến hết 11 tháng 2019, 15.800 DN xây dựng (tăng 1,7%) và 7.300 DN kinh doanh BĐS mới thành lập (tăng 13,8% về số DN, tăng 27,5% về vốn đăng ký). Vốn FDI: đăng ký mới 2,86 tỷ USD (chiếm 8,5%) và góp vốn, mua cổ phần là 1,9 tỷ USD (chiếm 17%). Còn phát hành trái phiếu: gần 61.000 tỷ VND.
Nhận định về thị trường bất động sản 2020, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, năm 2020 sẽ là một năm nhiều khó khăn, thách thức nhất với thị trường BĐS kể từ khi hồi phục vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 tới nay. Tín dụng siết chặt, nguồn cung mới khan hiếm, các loại hình BĐS như condotel bị mất niềm tin đối với nhà đầu tư tuy nhiên thị trường vẫn có thể duy trì các điểm sáng từ các dự báo tích cực về nền kinh tế nói chung.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land nhận định trong năm tới thị trường sẽ có sự sàng lọc mạnh. Theo đó, “sân chơi” bất động sản sẽ chứng kiến cuộc đào thải mạnh mẽ những chủ đầu tư yếu kém, chỉ những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có thương hiệu và có chiến lược phát triển bền vững dài hạn “trụ” lại và kiến tạo các giá trị mới của thị trường.

Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land tại sự kiện.
Cùng với động thái rà soát pháp lý mạnh mẽ từ năm 2019, thị trường năm tới sẽ đón nhận những dự án pháp lý hoàn thiện của các chủ đầu tư có năng lực với các sản phẩm chất lượng tốt từ dịch vụ tới tiện ích. Niềm tin của nhà đầu tư, người mua có nhu cầu thực sẽ được củng cố trên nền tảng này.
Cũng theo bà Hương, tiếp nối xu hướng của năm 2019, trong năm 2020, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy về các thị trường lân cận, đặc biệt là tại những khu vực hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đã và đang được hoàn thiện hay sở hữu những tiềm năng lớn về du lịch nghỉ dưỡng.
Trên một góc độ khác, ông Phùng Văn Năng - Cố vấn cấp cao HĐQT, Công ty Hưng Lộc Phát, đề cập đến vai trò của kinh tế ban đêm. Theo ông, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm không chỉ giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, mà còn giải quyết được vấn đề về việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó còn giúp níu giữ chân du khách, đây chính là “đòn bẩy” quan trọng giúp gia tăng giá trị BĐS ở khu vực phát triển mô hình kinh doanh này.
Kinh tế đêm hiện có thể chiếm đến 70% doanh thu của du lịch, giúp tăng trưởng GDP và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Nếu một vùng đất đẹp hấp dẫn du khách đến thăm thì kinh tế ban đêm chính là sản phẩm “đỉnh” giúp giữ chân du khách và tối đa hóa lợi nhuận cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án bất động sản dành cho du lịch rất nhiều, nhưng để tạo ra hệ sinh thái vui chơi giải trí để phục vụ cho du khách nghỉ dưỡng thì chưa nhiều và chưa đồng bộ.
Thích ứng - yếu tố quan trọng để DN tồn tại
Chia sẻ giải pháp đối với doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0, đó là blockchain - 1 nền tảng quan trọng, và thị trường đang điều chỉnh.
Tăng cường hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi giá trị; Cơ cấu lại hoạt động, chuẩn hóa đội ngũ nhân viên, tăng NSLĐ, nâng cao chất lượng QTDN, quản lý rủi ro; Đa dạng hóa nguồn vốn, chú trọng hơn kênh TT vốn; Nắm bắt, theo dõi diễn biến chiến tranh thương mại và hội nhập để có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.
"Năm 2019 kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh thế giới nhiều rủi ro, bất định; thị trường BĐS điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn. Sang năm 2020, thị trường BĐS còn đà tăng trưởng tốt nhưng cũng tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, bất định. Việc thị trường BĐS tiếp tục sàng lọc, điều chỉnh là điều không tránh khỏi. Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng/điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp để có thể “thích ứng”, tận dụng được cơ hội và vượt lên thách thức!", chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm