Thủ tướng: Đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới
Cần những chính sách thúc đẩy sản xuất đồ gỗ / Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục ở mức 2 con số
Thủ tướng nghe đại diện một doanh nghiệp giới thiệu thiết bị chế biến gỗ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là hội nghị thứ 2 về xuất khẩu gỗ, lâm sản được tổ chức trong vòng 6 tháng qua kể từ hội nghị tổ chức hồi tháng 8/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với kỳ vọng đưa ra các giải pháp tạo bứt phá cho lĩnh vực này.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2005, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD với việc xuất khẩu sản phẩm đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau 14 năm phát triển, ngành đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.
Phát biểu tại diễn dàn, Thủ tướng nêu rõ: “Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản và các địa phương đã đề ra sáng kiến ngay đầu năm tổ chức diễn đàn có ý nghĩa hôm nay. Đây là câu trả lời thiết thực của ngành nông nghiệp đối với chủ trương “bứt phá” của Chính phủ năm 2019”.
Đánh giá về thành quả của ngành lâm nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đứng đầu ASEAN, đứng thứ nhì châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ rừng trồng. Không chỉ về số lượng, chúng ta có một số sản phẩm có thiết kế mẫu mã tốt, được thị trường khó tính chấp nhận. “Đấy là trí tuệ, giá trị gia tăng, rất quan trọng”. Việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, các nhà nghiên cứu đến với sản xuất, thị trường xuất khẩu bước đầu tốt. Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là rừng trồng, từ đó, hạn chế cần thiết gỗ nhập khẩu và “chúng ta đã nghiêm cấm khai thác gỗ trồng tự nhiên”.
So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%, mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, là nước nông nghiệp nhiệt đới, “tam sơn tứ hải”, chúng ta mới chiếm 6% thị phần thế giới thì đây là mức thấp, sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn khiêm tốn.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản tìm câu trả lời cho chính mình và cho đất nước. Đó là phát huy thế mạnh rừng và đất rừng thông qua trồng rừng, chế biến lâm sản. Đây là “bứt phá cần thiết”. Thủ tướng cho biết, ông đã quyết định giao Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ trồng rừng cho các tỉnh có đất trồng rừng, có khả năng là 100.000 tấn gạo để người dân yên tâm, có điều kiện trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Tại hội nghị ở TPHCM và hội nghị tổng kết năm 2018 vừa qua của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã đặt hàng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Vâỵ theo tốc độ phát triển hiện nay thì sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu và là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới được không? Hay nói cụ thể, chúng ta cần chiếm 30%, 50% hay bao nhiêu phần trăm để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra và làm thế nào để đạt tỉ lệ phần trăm ấy, Thủ tướng đặt vấn đề.
Ngoài ra, còn có những câu hỏi khác như đất ở đâu để trồng rừng, trồng loại cây gì để hiệu quả tốt nhất; công tác thiết kế, nghiên cứu nội thất thế giới có những xu hướng nào để có giá trị gia tăng cao? “Đây là những câu hỏi mà các địa phương cần trả lời. Trồng rừng, chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng là điều mà tỉnh nào cũng có thể làm được. Vấn đề là việc nghiên cứu, phân công sản xuất cho hợp lý của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, của Bộ NN&PTNT”.
Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Với tinh thần đó, Thủ tướng trao đổi một số điểm để các đại biểu tham chiếu, tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên.
Đầu tiên là nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, đạt hiệu quả. Về cơ chế chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có nhiều nỗ lực triển khai một số giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tiếp tục củng cố để có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng cho sản xuất đồ nội thất xuất khẩu, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao. Đây là cơ sở hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia.
Về kỹ thuật, công nghệ, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, tận dụng được tối đa nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Giải quyết các vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế bất cập của ngành chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản để thảo luận và có giải pháp khắc phục. Đó là các vấn đề như: Nhà nước đã có cơ chế đầu tư xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành chưa? Chính sách tín dụng nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến? Làm sao tạo điều kiện cho người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu? Làm thế nào để có nguồn nguyên liệu chất lượng và hợp pháp? Đặc biệt là tỉ lệ gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô giá trị thấp hiện nay còn quá cao.
Một vấn đề khác là việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta cũng còn trăn trở khi nhiều mặt hàng trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay cả ở thị trường trong nước. Vấn đề này phải do bộ phận nghiên cứu thị trường trong nước xem xét.
Thủ tướng cũng lưu ý về những bất cập như một số lâm sản giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân, thảo quả và nhiều sản phẩm dưới rừng chưa phát huy được giá trị, chúng ta mới xuất khẩu được rất ít, chủ yếu do chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu uy tín với nước ngoài và chế biến chưa tốt.
Việc thực thi pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập, nhất là có những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Công tác sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, nhiều vướng mắc, tranh chấp đất rừng còn gay gắt mà chưa được xử lý dứt điểm.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD, Thủ tướng cho là quá thấp. “Các đồng chí phải có giải pháp để vượt mức con số này, đóng góp vào sản phẩm xuất khẩu lâm nghiệp của Việt Nam”.
“Muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào số lượng các doanh nghiệp như hiện nay thì rất khó sau 10 năm nữa có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Chúng ta phải kêu gọi, phải hợp tác thật nhiều với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tầm trung và cả các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới. Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Làm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn.
“Tôi mong diễn đàn dành thời gian thảo luận vấn đề này, làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Đây là một câu hỏi rất lớn chứ không phải nhỏ lẻ, đơn điệu, vì không thể chỉ xuất khẩu được trên dưới 10 tỷ USD là chúng ta đã thỏa mãn rồi”, Thủ tướng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng