Thị trường

Thúc đẩy vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh

Để kích cầu tín dụng, nhiều ngân hàng đã và đang triển khai những gói vay ưu đãi, bao gồm cả cho vay tiêu dùng.

Vì sao xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn "giảm tốc"? / Đảm bảo nguồn cung cầu điện: 5000 doanh nghiệp trọng điểm đang có tác động như thế nào?

Trong 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế, với mức tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 là 33,7%, cao hơn 16% so với bình quân toàn nền kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùngvà xem đây là một trong những động lực tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay.

Gần 5 năm kinh doanh vận tải chở vật liệu xây dựng quanh Hà Nội, ông Nguyễn Vĩnh Lập, Giám đốc Công ty Vận tải Đức Cường đã mua hơn chục đầu xe. Tất cả đều vay ngân hàng. Năm nay, ông muốn mua thêm 5 đầu xe nữa.

Ông Lập cho biết: "5 xe nữa trị giá khoảng 7-8 tỷ đồng, tôi mong lãi suất ngân hàng khoảng 0.9-0.9%/tháng là tuyệt vời nhất để doanh nghiệp làm ăn có lãi".

Tại nhiều đại lý xe tải, cứ 10 khách hàng thì có tới 9 người cần mua trả góp. Từ cuối năm ngoái, khi tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng cao, doanh số bán xe ở một số nơi giảm từ 50-70%.

Còn với những mặt hàng như điện máy, ít nhất khoảng 10-12% người mua tại siêu thị này có nhu cầu vay tiêu dùng.

Chị Tạ Thị Ngân, quản lý quầy, Siêu thị Điện máy Pico Nguyễn Trãi, nói: "Việc tạo điều kiện hơn nữa cho vay tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh điện máy đẩy mạnh hơn nhiều việc bán ra các sản phẩm, giúp chúng tôi cải thiện được doanh thu giữa lúc bối cảnh nền kinh tế đang nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu".

COVID-19 và khủng hoảng kinh tế đã làm mảng tài chính tiêu dùng trên thế giới giảm 25% theo tính toán của FiinGroup - tổ chức chuyên thu thập và phân tích số liệu. Song đây cũng được nhận định là lúc để các tổ chức tài chính, ngân hàng cơ cấu lại sản phẩm cho vay.

Các tổ chức tài chính ước tính, hiện mới chỉ khoảng 20% người dân có nhu cầu vay tiền chi tiêu tiếp cận từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc "tín dụng đen" gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Thúc đẩy vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh - Ảnh 1.

Hình minh họa

Ngân hàng thúc đẩy cho vay tiêu dùng

Tín dụng tăng trưởng thấp khi chỉ đạt 2,57% trong 4 tháng đầu năm nay. Do đó, để kích cầu tín dụng, nhiều ngân hàng đã và đang triển khai những gói vay ưu đãi, bao gồm cả cho vay tiêu dùng. Lãi suất hợp lý, điều kiện vay thuận lợi... sẽ kích cầu mua sắm, từ đó hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.

Nhiều gói tín dụng cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng lớn đồng loạt triển khai. Với quy mô và mức lãi suất đều thấp hơn, hợp lý hơn so với trước.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, cho biết: "Tùy từng đối tượng, nhóm khách hàng mà chúng tôi thiết kế các gói tín dụng hợp lý nhưng mức lãi suất của chúng tôi chỉ là 7-8%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ còn đưa ra nhiều chương trình với lãi suất hấp dẫn hơn nữa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp".

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB, chia sẻ: "Thời gian tới chúng tôi sẽ có nhiều gói tín dụng dành riêng cho các đối tượng là cá nhân và hộ sản xuất, kinh doanh. Lãi suất sẽ hợp lý và phù hợp với khả năng trả nợ của các đối tượng này".

 

Việc liên tiếp điều chỉnh hạ lãi suất cơ bản gần đây của Ngân hàng Nhà nước chính là sự hỗ trợ hữu hiệu cho các ngân hàng thương mại trong việc đưa ra các chính sách kích cầu tín dụng của mình.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, nói: "Chúng tôi luôn đảm bảo vấn đề thanh khoản cho cả hệ thống và cho từng tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa là ngành ngân hàng luôn có đủ vốn và khả năng đáp ứng vốn cho các nhu cầu của nền kinh tế".

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Vietnam, nhận định: "Các lần điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước thời gian gần đây là một chỉ dấu cho thấy cơ quan điều hành chính sách tiền đã chủ động trong việc điều tiết lượng cung tiền cho nền kinh tế, quan trọng là vẫn không lơ là việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát".

Việc đẩy mạnh và kích thích cho vay tiêu dùng mà ngành ngân hàng đang triển khai có thể coi là một công cụ quan trọng để kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm