Thị trường

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gặt hái nhiều thành tựu

DNVN - Phát biểu tại “Diễn đàn hội nhập và phát triển hợp tác kinh tế quốc tế”, sáng 7/5, ông Vũ Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách, tài chính Quốc Hội nhấn mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã phát huy, tác động hiệu quả, tạo động lực khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng.

Diễn đàn Mekong Startup: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo / Kinh tế ảm đạm phủ bóng Diễn đàn Davos 2023

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng. Tháng 7/1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN) và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Đây được xem là bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Năm 1996, Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á- Âu( ASEAM), đến năm 1998 Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ( APEC). Đặc biệt, năm 2007 là cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới ( WTO) sau 11 năm đàm phán.

Các đại biểu tham dự“Diễn đàn hội nhập và phát triển hợp tác kinh tế quốc tế”. Ảnh: Hà Anh.

Gần đây nhất, Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Hai hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, từ việc thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá đến hơn 230 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ . Đây là cơ hội rất lớn mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường rộng lớn.

Chủ trương của Chính Phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là nâng đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác liên kết khu vực trong nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phát biểu tại “Diễn đàn hội nhập và phát triển hợp tác kinh tế quốc tế”, ông Vũ Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách, tài chính Quốc hội cho rằng, những biến động thị trường do tác động của dịch bệnh, của cuộc chiến Nga - Ucraina tới nền kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế cho thấy, kinh tế khu vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, Việt Nam đang tăng cường hội nhập, hợp tác chặt chẽ trong phát triển kinh tế, thương mại, vì hòa bình, ổn định khu vực. Sự phát triển hội nhập được coi là chìa khóa bảo đảm an ninh kinh tế của mỗi quốc gia.

Cùng với đó là sự ủng hộ của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã phát huy, tác động hiệu quả, tạo động lực khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, ban tổ chức đã công bố “Thương hiệu – Nhãn hiệu uy tín hội nhập kinh tế quốc tế ”, “Sản phẩm - dịch vụ cao vì người tiêu dùng ”, “ CEO – Nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi 2023” và trao tặng biểu trưng vinh danh cho các thầy thuốc, lương y, nghệ nhân tiêu biểu.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm