Tiêu dùng trong tuần (từ 14-20/11/2022): Giá gia cầm giảm sâu, người nuôi lỗ nặng
Chinh phục khách hàng trong “Ngày giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng” tại TP Hồ Chí Minh / Áp dụng sớm Basel III giúp đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.751 USD/ounce - giảm 9 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới đã giảm 12 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Theo giới phân tích, giá vàng giảm khi hãng Bloomberg dẫn nguồn tin của Goldman Sachs – một tổ chức tài chính lớn của Mỹ, cho rằng sau khi Trung Quốc này nới lỏng chính sách zero Covid-19, nền kinh tế quốc gia này sẽ tăng trưởng mạnh trong 2023. Điều này làm cho nhà đầu tư lạc quan kinh tế toàn cầu sẽ bứt phá đi lên.
Theo đó, họ mạnh dạn đưa vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm. Nghĩa là dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị chi phối, tác động tiêu cực đến tâm lý giao dịch của giới đầu cơ.
Mặt khác, một quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khuyến nghị tổ chức này cần phải tăng lãi suất lên tới 7% để giảm mạnh lạm phát. Từ đó, đồng USD tiếp tục giữ vững đà tăng giá, bất lợi cho giá vàng.
Trước sức mạnh của chứng khoán và USD, có lẽ giới đầu cơ nghĩ giá vàng không thể bật tăng. Thế nên họ liền bán ra thu về lợi nhuận.
Dự báo giá vàng năm 2023, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Metals Focus của Anh cho biết, họ dự đoán giá vàng trung bình sẽ giảm 10% trong năm tới, chạm đáy trong quý IV ở mức thấp nhất trong 4 năm là khoảng 1.500 USD/ounce.
Không chỉ vàng, các nhà phân tích còn dự báo một tương lai khắc nhiệt hơn đối với bạc với mức giá trung bình sẽ giảm 17% vào năm 2023. Các nhà phân tích cho biết họ thấy giá bạc chạm đáy trong quý IV ở mức khoảng 16,50 USD/ounce.
Các nhà phân tích cho rằng, chính sách tiền tệ của Fed và tác động của nó đối với đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục là những trở ngại lớn nhất đối với vàng và bạc trong năm mới.
Các nhà phân tích nhận định: "Nền kinh tế chắc chắn sẽ suy yếu, nhưng với xuất phát điểm thấp trong lịch sử đối với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và thị trường lao động thắt chặt, chúng tôi cảm thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn theo quan điểm "diều hâu".
Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực lên giá tài sản nói chung. Vàng và bạc có khả năng giảm giá, bên cạnh lợi suất danh nghĩa cao hơn, lạm phát cuối cùng sẽ thấp hơn sẽ đẩy đồng Real lên cao hơn".
Ảnh minh họa. Ảnh: Thành Luân
Giá gia cầm giảm sâu, người nuôi lỗ nặng
Khoảng 1 tuần nay, các loại thịt gia cầm bất ngờ rớt giá, giảm sâu hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Cụ thể, giá vịt thịt bán tại các trại chăn nuôi tư nhân chỉ còn 34.000 - 36.000 đồng/kg, tiếp tục giảm hơn 4.000 đồng/kg so với tuần trước. Mức giá này thấp hơn 5 ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất. Giá gà lông màu bán tại các trại chăn nuôi tư nhân có giá khoảng 34.000 đồng/kg; thấp hơn 8.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất bình quân của các cơ sở chăn nuôi tư nhân.
Bà Nguyễn Thị Hoa, hộ chăn nuôi gà, vịt tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, bà vừa xuất lứa gà ta thả vườn với giá gần 50.000 đồng/kg; mức giá này không giảm sâu như giá gà lông màu và vịt thịt nhưng gia đình bà cũng gần như không có lợi nhuận. Nguyên nhân do giá thức ăn chăn nuôi đứng ở mức quá cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. “Gia đình tôi chỉ dám nuôi vài trăm con gà cung cấp ra thị trường Tết, nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đã treo chuồng vì càng nuôi càng lỗ” - bà Hoa nói.
Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Xuân Trường, chủ trại gà tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) nhận xét, gà thịt, vịt thịt giảm sâu dưới giá thành sản xuất kéo theo giá trứng đến giá gà giống, vịt giống cũng giảm từ 30 - 35% so với vài tuần trước đó. Người chăn nuôi đang rất căng thẳng vì gánh lỗ. Người chăn nuôi chỉ mong các cơ quan chức năng có giải pháp quản lý giá thức ăn chăn nuôi để người chăn nuôi bớt khó khăn trong đầu tư sản xuất.
Vào thời điểm này mọi năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bắt đầu “tăng nhiệt” khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến vào mùa mua nguồn thịt dự trữ đưa vào chế biến cung cấp cho nhu cầu thị trường cuối năm tăng cao. Nhưng năm nay, giá các sản phẩm chăn nuôi bất ngờ giảm sâu, nhiều sản phẩm thấp hơn so với giá thành sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu do sức mua của thị trường quá chậm.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, chủ Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Cẩm Tú tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) so sánh, thời điểm này mọi năm, nhu cầu tiêu thụ các loại thịt của thị trường bắt đầu tăng lên do vào mùa chế biến. Nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm từ thịt vẫn im ắng. Sức tiêu thụ ở các chợ truyền thống đến các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể đều giảm mạnh vì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang sản xuất cầm chừng.
Ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ đang có lợi thế cạnh tranh. Cuối năm, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi khó đạt như kỳ vọng vì tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang có kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết sớm hơn cả tháng so với mọi năm.
Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi suốt thời gian qua là giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao vẫn chưa được giải quyết; thậm chí, có khả năng khó càng thêm khó khi dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới sẽ có đợt tăng giá mới.
Tôm sú, tôm thẻ liên tục rớt giá
Thời gian gần đây, tôm sú, tôm thẻ nguyên liệu liên tục bị rớt giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7 năm nay khiến người nuôi tôm ở các huyện Đông Hải, Hòa Bình, Giá Rai và TP Bạc Liêu lo lắng.
Cụ thể, tôm thẻ loại 50 con/kg có giá khoảng 100.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg dao động từ 170.000 - 180.000 đồng/kg; tôm sú loại 50 con/kg giá khoảng 100.000 đồng/kg. Nghịch lý là giá tôm đang xuống thấp nhưng giá thức ăn, thuốc thủy sản luôn tăng rất cao.
Anh Lâm Hoàng Chanh một hộ nuôi tôm xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu buồn rầu cho biết, tất cả các loại giống, thức ăn, thuốc thuỷ sản, tiền dầu đều tăng chóng mặt trong khi giá tôm nguyên liệu sụt giảm đến hơn 30% khiến bao kỳ vọng của vụ nuôi tan theo mây khói vì bị thua lỗ. “Tình hình này kéo dài người nông dân không trụ được phải treo ao thôi”, anh Chanh nói.
Ghi nhận cho thấy, mặc dù thời gian qua các mô hình nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt khá về năng suất, điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, thành công ở vụ tôm năm nay chỉ mới đạt một nửa, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá tôm duy trì ở mức thấp khá lâu. Nhất là tôm sai nhỏ. Riêng tôm cỡ lớn thì giá khá hơn như: tôm thẻ loại 20 con/kg giá khoảng 270.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá khoảng 260.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm thẻ, tôm sú thâm canh - bán thâm chủ yếu thu hoạch tôm ở cỡ nhỏ 50 - 100 con/kg, giá tôm loại này rất thấp. Hầu hết chỉ những hộ nuôi siêu thâm canh mới có thể nuôi tôm cỡ lớn 20 - 30 con/kg.
Không chỉ rớt giá, nông dân nuôi mô hình thâm canh - bán thâm canh nhỏ lẻ còn đối mặt với tình trạng ép giá của thương lái khiến người nuôi tôm “méo mặt”.
Anh Kim Hoàng Dũng, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu bày tỏ, “nếu có thể được tôi kiến nghị xã, chính quyền cần có mô hình nuôi tôm liên kết với nhau để đầu ra ổn định hơn chứ bây giờ thương lái ép giá, họ mua sao mình cũng đành chấp nhận. Giờ nuôi không có lãi, giá thức ăn chi phí cứ lâu lâu lại tăng mà giá tôm lại sụt giảm, càng nuôi càng lỗ”.
Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu cho cho biết, toàn huyện Hoà Bình hiện nay có hơn 19.500 ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi theo mô thâm canh – bán thâm canh trên 10.300 ha, mô hình quảng canh cải tiến trên 7.670 ha, còn lại là nuôi theo mô siêu thâm canh. Vụ mùa năm nay người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn.
“Môi trường nước, độ mặn không đảm bảo cho diện tích nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, trong khi đó mô hình nuôi tôm siêu thâm cảnh lại đối mặt với bệnh phân trắng. Hiện nay, giá tôm đang ở mức thấp nên đa số người nuôi tôm không có lãi”, ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoà Bình tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm.
Trước tình hình giá tôm sụt giảm, nhiều hộ nuôi tôm không còn mặn mà với việc cải tạo ao đầm để thả tôm nuôi, dù hiện tại đang vào vụ nuôi chính. Nhiều hộ chọn giải pháp “treo ao” để chờ giá tôm phục hồi mới tiếp tục đầu tư sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, giá cả dần ổn định, bà con nuôi tôm trong tỉnh sẽ không có tôm để bán. Đồng thời các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng sẽ gặp khó khăn trong sản xuất khi không có nguồn tôm nguyên liệu ổn định.
Cung không đủ cầu, giá sầu riêng cao ngất ngưởng
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, tỉnh hiện có khoảng 17.000ha cây sầu riêng. Trong đó khoảng 10.000ha cây đang trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân 28 tấn/ha. Thời gian qua, nông dân đã vận dụng kỹ thuật canh tác sầu riêng nghịch vụ nhằm rải vụ, mang lại hiệu quả rất cao.
Từ năm 2018 đến nay, trung bình diện tích rải vụ khoảng 6.787ha/năm, năng suất đạt từ 18 - 20 tấn/ha. Chênh lệch năng suất giữa xử lý rải vụ so với vụ thuận từ 0,5 - 2 tấn/ha; giá bán dao động từ 60.000 - 95.000 đồng/kg, chênh lệch giá bán tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Sản xuất rải vụ thu hoạch nghịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn chính vụ trung bình từ 1,7 - 2,3 lần.
Hơn một tháng nay, trái sầu riêng nghịch vụ được các thương lái thu mua xô tại vườn với giá cao và ổn định, từ 70.000 đồng đến hơn 80.000 đồng/kg. Với mức giá ổn định như hiện nay, mỗi ha cây sầu riêng, nhà vườn có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, sản lượng thấp, nhất là sầu riêng đạt chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn không đủ số lượng để cung ứng cho đối tác. Bởi để trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cần có mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Thời điểm này, tỉnh Tiền Giang mới có 2 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100ha. Cơ quan chức năng cho biết đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định trong những ngày tới 21 hồ sơ với diện tích khoảng 1.100ha, ước sản khoảng 30.000 tấn trái.
Ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, địa phương có 600ha cây sầu riêng chuyên canh chia sẻ: Thời điểm này, đầu ra của trái sầu riêng rất ổn định, cung không đủ cầu. Ông Quang cũng cho biết hiện chỉ mới có khoảng ¼ diện tích sầu riêng nông dân xử lý bắt đầu có trái. Đến cuối tháng 11 (âm lịch), sầu riêng mới chín rộ, bà con rất phấn khởi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam