Thị trường

Vẫn ùn ứ đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản tại nhiều tỉnh phía Nam

DNVN – Mặc dù thời gian qua Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã có những giải pháp hỗ trợ kết nối cung cầu nông sản hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên hiện vẫn còn hàng triệu tấn nông sản tại nhiều tỉnh phía Nam vẫn ùn ứ, khó tiêu thụ.

Xuất khẩu nông sản có 'bắt' được đà phục hồi của thế giới? / Nhiều mặt hàng nông sản được mùa, song giá thấp do tiêu thụ khó khăn

Đầu ra cho nông sản tại các tỉnh phía Nam vẫn còn ùn ứ, bế tắc

Mặc dù việc kết nối tiêu thụ nông sản của Tổ 970 đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi nhiều tỉnh thành lại đang vào mùa thu hoạch rộ các loại nông sản; việc giãn cách xã hội và khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa tại nhiều địa phương hiện nay khiến cho nhiều tỉnh phía Nam vẫn bị ùn ứ, bế tắc trong việc tiêu thụ nông sản.

Tại “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống COVID-19”, đại diện nhiều tỉnh thành cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn có hàng trăm nghìn tấn nông sản đang vào mùa thu hoạch vẫn khó tiêu thụ và đề xuất Tổ công tác 970 tăng cường kết nối và TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ hỗ trợ các sản phẩm nông sản đang tồn đọng ở tỉnh vào trong chuỗi tiêu thụ của Tổ công tác.

Đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản tại nhiều tỉnh phía Nam vẫn còn ùn ứ, bế tắc.

Đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản tại nhiều tỉnh phía Nam vẫn còn ùn ứ, bế tắc.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, hiện tỉnh Gia Lai đang vào mùa thu hoạch rộ rau củ quả, trái cây. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha rau đã thu hoạch. Tỉnh vẫn còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng khoảng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, trong đó khó khăn nhất là mặt hàng rau ngót với số lượng vào khoảng 700 tấn mặc dù đã có nhiều chương trình kết nối cung cầu.

Ngoài ra, còn có hơn 7.500 ha trái cây chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng tiêu thụ gặp khó khăn. Một sản phẩm đặc trưng của tỉnh nữa đang gặp khó khăn trong tiêu thụ là khoai lang, với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng hàng ngàn tấn.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, do tác động của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua đã làm cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn, sản lượng nông sản giảm đến 1/3 trong khi giá giảm từ 20-30%.

Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, do sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, hiện nhiều mặt hàng của tỉnh Bình Dương đang rơi vào tình trạng dư thừa.

Với sản phẩm trồng trọt, hiện nay Bình Dương dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Về chăn nuôi, theo ông Bông, hiện nay khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ sản phẩm gà lông trắng, ngoài ra các sản phẩm trứng nhu cầu giảm nên khả năng tiêu thụ cũng chững lại. Cụ thể, mỗi ngày Bình Dương đang tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có 3 nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ. Với nhóm trái cây và rau củ quả, hiện trái cây (dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu), rau củ quả (dư khoảng 1.000 tấn).

Với các sản phẩm chăn nuôi, gà lông trắng dư thừa 200.000 con, vịt dư 80.000 con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300.000 con.

Cùng đó, mặt hàng thủy sản của tỉnh dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.

Trước thực tế trên, ông Sinh đề nghị các tỉnh và TP. HCM tạo điều kiện để Đồng Nai sớm đưa những sản phẩm dư thừa trên vào chuỗi tiêu thụ.

Nên có diễn đàn trực tuyến để kết nối chợ Bình Điền với các địa phương

Nói về việc nông sản đang bị ùn ứ tại nhiều tỉnh thành phía Nam, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm kinh tế Hợp tác (CCD), Trường Cán bộ quản lý NN- PTNT II (CMARD II) cho biết, một số tỉnh nói về việc “nông sản ùn ứ, dư thừa”, tuy nhiên trên thực tế, khi Tổ 970 đưa đơn hàng về thì lại không có khả năng cung cấp.

“Một số nơi cứ lấy diện tích nhân với năng suất ra sản lượng, nhưng thực tế lại khác. Ngay cả khâu đóng gói, sơ chế, các anh cũng làm không được”, ông Hải nhận định.

Nhận xét chung về hàng hóa từ địa phương vào TP Hồ Chí Minh, ông Hải cho biết lượng hàng “không tăng do đã bước đầu thông suốt, ổn định”.

Cũng theo Giám đốc CCD, trong số hơn 1.400 đầu mối tham gia kết nối với Tổ 970, một số đơn vị đã rút khỏi chuỗi cung ứng do hết mùa vụ, hàng hóa đã tiêu thụ hết.

“Tôi cho rằng lần này cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn lại vấn đề phân phối. Ở đây, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng là cơ hội để hình thành lại hệ thống phân phối của từng địa phương. Nếu muốn cung cấp hàng hóa về TP Hồ Chí Minh thì lãnh đạo các Sở, ngành cũng nên tham khảo mô hình này”, ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tư duy bán hàng phải cụ thể, rành mạch, hàng hóa ở đâu, cung cấp thế nào là phải nắm được. Từ đó, Thứ trưởng Trần Thành Nam đề xuất, sau 15/9, TP Hồ Chí Minh có nhiều kế hoạch, từng bước mở rộng thị trường, đảm bảo an toàn y tế. Nên có diễn đàn trực tuyến để kết nối chợ Bình Điền với các địa phương.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ thêm 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn trái cây các loại. Riêng trong tháng 9, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hàng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng lớn như: thanh long, xoài, cam mỗi loại 35.000 tấn, bưởi 40.000 tấn, chuối 50.000 tấn…cũng cần phải giải quyết đầu ra một cách hiệu quả.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm