Thị trường

Vĩnh Phúc: Làm giàu từ cây lan rừng

Vài năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hộ dân ở thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo đã đầu tư nhập lan rừng từ khắp mọi miền Tổ quốc về ươm trồng. Nhiều mô hình thành công và cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu.

Tiền Giang: Làm giàu từ mô hình trồng thanh long giống mới, thích ứng hạn mặn / Phú Yên: Nuôi chồn hương mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân

Từ một người chơi lan có thâm niên gần 20 năm, đến nay, anh Nguyễn Văn Minh ở Tổ dân phố Sơn Thanh, thị trấn Đại Đình đã là chủ của 4 vườn lan quy mô lớn trên địa bàn huyện.

Cùng với nhiều loại lan rừng phổ biến trên thị trường như: Phi điệp, Đai Châu, Hoàng Thảo..., vườn lan của anh Minh còn sưu tầm và kinh doanh thêm một số loại lan đột biến, có giá trị trung bình từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/cây.

Là một trong những người đầu tiên sưu tầm, trồng và kinh doanh cây lan tại thị trấn Đại Đình, anh Minh cho biết: “Lúc đầu chỉ tính trồng chơi, tôi sưu tầm các loại lan rừng từ khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí cả nước ngoài mang về trồng để thỏa niềm đam mê. Lâu dần, vườn lan của tôi ngày càng đa dạng, số lượng lên tới hàng trăm giò.

Vườn lan đột biến của anh Nguyễn Văn Minh ở Tổ dân phố Sơn Thanh, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo) được giới chơi lan định giá hàng tỷ đồng.Ảnh: Nguyễn Lượng

Vườn lan đột biến của anh Nguyễn Văn Minh ở Tổ dân phố Sơn Thanh, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo) được giới chơi lan định giá hàng tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nhận thấy nhu cầu của thị trường từ loại hoa này, thêm vào đó, địa phương lại là điểm du lịch nổi tiếng, nằm ngay chân núi Tam Đảo và khu danh thắng Tây Thiên, tôi quyết định đầu tư kinh doanh cây lan, vừa để phát triển kinh tế, lại được thỏa mãn niềm đam mê”.

Được biết, để có được 4 vườn lan quý như hiện nay, anh Minh đã đầu tư hàng tỉ đồng cho việc lắp đặt hệ thống nhà lưới, thiết bị phục vụ chăm sóc, nhân cấy lan.

Thời gian đầu, mô hình của anh cũng gặp nhiều trục trặc do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, lại là người tiên phong trồng loại hoa này; dần dần, qua việc đi tham quan, học hỏi, rồi tự tìm hiểu qua sách báo, internet, vốn kiến thức tích lũy về lan của anh ngày một nhiều, vườn lan theo đó cũng ngày càng phát triển.

Đến nay, 3 vườn lan thường của anh cho doanh thu mỗi năm từ 300 – 400 triệu đồng. Riêng vườn lan đột biến được anh đặc biệt chăm sóc ngay trong khuôn viên gia đình, được giới chơi lan định giá lên tới hàng tỉ đồng.

 

Cũng giống như anh Minh, mô hình kinh doanh lan rừng của anh Trương Quang Thuần, ở Tổ dân phố Đồng Lính, thị trấn Đại Đình cũng xuất phát từ niềm đam mê chơi lan của gia chủ.

Với kinh nghiệm chơi lan hơn 10 năm của mình, năm 2011, anh đầu tư lắp đặt hệ thống nhà lưới rộng hơn 400m2 để trồng và nhân giống các loại lan, chủ yếu là lan Phi Điệp và lan đột biến.

Một giò lan Phi Điệp được anh bán với giá từ vài trăm nghìn – 4 triệu đồng. 3 – 4 năm trở lại đây, anh Thuần bắt đầu nhân giống và kinh doanh thêm lan đột biến, một số loại lan đột biến quý hiếm được giới chơi lan định giá từ 2 – 3 triệu đồng/1 ki (1 nhánh lan nhỏ để nhân cấy, gieo trồng), 1 cây ra hoa có thể được trả tới hàng tỷ đồng.

Theo anh Thuần, lan thường được anh bán cho các cửa hàng tại chân núi, riêng với lan đột biến, anh chụp lại những cây đẹp nhất để đăng tải lên mạng xã hội, thu hút giới chơi lan và có niềm đam mê với loại hoa này.

Hiện nay, vườn lan của anh Thuần cho thu lãi ổn định từ 200 – 300 triệu đồng/năm, chưa tính lan đột biến, bởi loại hoa này cho giá trị kinh tế cao, song không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường và việc định giá của giới chơi lan. Có thể một cây lan đột biến được bán với giá hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng tùy thuộc vào sự đam mê, thích thú của khách hàng đối với từng loại lan khác nhau.

 

Nhận xét về giá trị kinh tế từ cây lan, ông Lại Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Đình cho biết: Hoa lan có vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng và quý phái, lại chơi được lâu ngày nên được nhiều người ưa chuộng, chọn trồng để chưng trong nhà.

Vài năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu chơi lan của thị trường, lại là địa phương có điểm du lịch, nhiều hộ dân thị trấn từ chơi lan chuyển sang kinh doanh loại hoa này. Hiện thị trấn có khoảng hơn 200 hộ trồng và kinh doanh các loại lan thường, trong đó có khoảng gần 50 hộ trồng và kinh doanh thêm một số loại lan đột biến.

Các loại lan thường được định giá tương đối đơn giản, mang lại thu nhập ổn định cho người dân; tuy nhiên với lan đột biến lại rất khó định giá, phụ thuộc vào thú chơi lan của mỗi người.

Các hộ trồng lan đột biến trên địa bàn chủ yếu là những hộ chơi lan có kinh nghiệm lâu năm, bởi để chăm sóc loại lan này cần có kiến thức, sự tỉ mỉ của người trồng. Một cây lan đột biến bị thối rễ hay sâu bệnh phải bỏ có thể gây thiệt hại lớn cho chủ vườn.

Khác với lan thường được bày bán trực tiếp, lan đột biến lại được trao đổi thông qua mạng xã hội, truyền tai nhau sau đó người mua lan sẽ trực tiếp đến vườn để xem rồi mới chốt giá.

 

Được biết vừa qua, thị trấn Đại Đình đã thành lập Hội lan Tam Đảo, thu hút hơn 50 thành viên tham gia. Mục đích thành lập hội để các hội viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về trồng và chăm sóc lan, cũng là nơi để quảng bá, trao đổi và buôn bán sản phẩm, đặc biệt là các loại lan đột biến có giá trị cao trên thị trường.

Theo định hướng của UBND thị trấn, việc phát triển kinh tế từ cây lan phù hợp với đặc điểm du lịch, khí hậu của địa phương, có thể trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, đối với việc trồng và kinh doanh các loại lan đột biến, người trồng cần cẩn trọng trong việc đầu tư bởi loại lan này có thể cho giá trị kinh tế cao, nhưng không ổn định, có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm