Xuất khẩu những tháng cuối năm khó đạt mức tăng mạnh
Xuất khẩu hương nhang mang về 76,8 triệu USD có nguy cơ giảm "sốc" / Nga khó xuất khẩu Su-57E khi động cơ chuẩn thế hệ 5 tiếp tục trễ hẹn
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng khiến cho xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.
Xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm đối mặt nhiều thách thức. Ảnh minh hoạ.
Cao điểm xuất khẩu vào quý III/2019
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,50 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,34 tỷ USD, giảm 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,16 tỷ USD, tăng 12,4%.
Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 8 có kim ngạch tăng so với tháng trước: Than đá tăng 103,6%; điện thoại và linh kiện tăng 37,8%, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Glaxy Note 10; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhận định về con số tăng 7,3%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
“Những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng (điện thoại, tivi,...) khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu trong quý III/2019 dự báo có xu hướng cao hơn so với quý II/2019 do nhiều mặt hàng bước vào thời kỳ cao điểm xuất khẩu. Theo chu kỳ, xuất khẩu hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp lễ, tết”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận.
Mặt khác, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
Đặc biệt, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ. Theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, CP Việt Nam, Camimex...
Mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Bởi Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những tác động cản trở của tình hình thế giới
Lý giải về những yếu tố rủi ro gia tăng khiến xuất khẩu hàng hoá những tháng cuối năm khó đạt mức tăng đột biến, Bộ Công Thương giải thích đây là hệ luỵ của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng. Động thái áp dụng các “chiêu đòn” bằng thuế đang được hai nước áp dụng và Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Các tổ chức quốc tế (như IMF, WB,...) đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.
Thêm vào đó, ngày 27/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp chưa từng có (7,0810 NDT đổi 1 USD), đây là mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua.
Đánh giá về việc này, Bộ Công Thương nhận định: Đồng NDT yếu hơn sẽ phần nào giúp giảm bớt những thiệt hại do thuế quan Mỹ gây ra. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Mặt khác, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Phần lớn các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Trong các diễn biến chung, gần đây tiếp tục ghi nhận thêm căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh việc Nhật Bản ra quyết định hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên liệu được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn và các loại màn hình sang Hàn Quốc vào ngày 1/7/2019. Đối với Việt Nam, quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đối với Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chất bán dẫn, chip và màn hình tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất, nhà máy thuộc các công ty này tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
“Bộ Công Thương đang tiếp tục bám sát theo dõi tình hình căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc trong thời gian tới để có sự phối hợp trong điều hành, xử lý các vấn đề có tác động tới Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng