Yên Bái: Trấn Yên phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên
Nghệ An: Nam Đàn phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu / Yên Bái: Yên Bình đẩy mạnh nguồn xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, hầu hết các xã trên địa bàn huyện có xuất phát điểm thấp. Bình quân các xã đều đạt từ 4 - 5 tiêu chí/xã, thậm chí có không ít xã chỉ đạt 1- 2 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường… cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đời sống vật chất, tinh thần người dân rất thấp. Do đó, Trấn Yên đã xác định mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện; gắn kết quả xây dựng NTM với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể...
Với quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay bộ mặt nông thôn Trấn Yên đã có những đổi thay đáng kể. Từ xã vùng cao Kiên Thành, Hồng Ca đến Việt Thành, Nga Quán, Cổ Phúc, nhân dân các dân tộc trong huyện đồng lòng, chung sức thi đua tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống và cùng hiến đất mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Có thể khẳng định Chương trình xây dựng NTM đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới đến với các địa phương, mang lại niềm vui, sự tin tưởng khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên.
Việc vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương được coi là kinh nghiệm quý trong việc huy động sức dân, phát huy được hiệu quả tích cực đối với một huyện nghèo. Những con đường giao thông nông thôn đã hoàn thành nhờ sự đóng góp đất đai, sức người, sức của, sự quyết tâm, đồng lòng của người dân chính là minh chứng rõ nét nhất.
Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên được công nhận đạt chuẩn NTM cuối năm 2016. Đến nay, toàn bộ trục đường xã, liên xã ở Bảo Hưng đã được kiên cố hoá; hơn 70% đường trục xóm, thôn được trải nhựa và bê tông hoá giúp cải thiện đáng kể việc đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để có được kết quả đó, hơn 1,5 ha đất đã được nhân dân xã Bảo Hưng tự nguyện hiến tặng cùng tiền của và nhiều ngày công, biến các tuyến giao thông trước kia luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đến với Bảo Hưng giờ được thay thế toàn bộ bằng những con đường bê tông, đường trải nhựa.
Ông Nguyễn Xuân Cầu, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết, một trong những tiêu chí khó nhất của chương trình xây dựng NTM của xã chính là giao thông nông thôn, bởi nó cần nguồn vốn đầu tư lớn. Nhưng nhờ sự đồng thuận của người dân, việc huy động được sức dân, việc tham gia trực tiếp của người dân là yếu tố then chốt để có được thành công, để Bảo Hưng có được diện mạo nông thôn mới khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay.
Từ những sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay Trấn Yên đã và đang là điểm sáng trong bức tranh NTM ở Yên Bái cả về số lượng và chất lượng. Dẫu còn gặp không ít khó khăn nhưng trong những năm qua, nhân dân đã tham gia đóng góp 217 ngàn ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, hiến 517.870 m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tham gia làm 250 km đường điện chiếu sáng...
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn đạt 7.361,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân các dân tộc trong huyện đóng góp đạt trên 740 tỷ đồng, chiếm 10,1%... đó là những con số đáng trân trọng và ghi nhận. Sản xuất nông nghiệp đã có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị như: vùng tre măng Bát độ gần 3.400 ha, vùng quế trên 15.000 ha, chè chất lượng cao 200 ha, vùng trồng dâu trên 500 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi trên 700 ha, 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Huyện cũng đã tạo ra một số sản phẩm nông sản với khối lượng lớn và có giá trị hàng hóa cao như: sản phẩm măng Bát độ, kén tằm, quế, chè Bát Tiên... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng bào xã Hồng Ca trồng cây gáo vàng - cây trồng mới hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hết năm 2019 giảm chỉ còn 4,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Tính đến 30/9/2019, toàn huyện đã có 16 xã trong tổng số 21 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Đối với 5 xã còn lại đều đạt từ 14 - 19 tiêu chí xây dựng NTM, các tiêu chí còn lại đang trong giai đoạn hoàn thành và sẽ hoàn thành trong năm 2019 này. Các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng kế hoạch xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, thôn NTM kiểu mẫu.
Đối với thực hiện tiêu chí huyện NTM, đến nay, huyện đã cơ bản đạt 6/9 tiêu chí (giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo XDNTM), các tiêu chí còn lại huyện đang nỗ lực hoàn thành. và phấn đấu trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào đầu năm 2020.
Để trở thành huyện NTM vào năm 2020, huyện vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết nhưng với sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, vì mục tiêu chung là đem lại lợi ích cho người dân một cách thiết thực chính là “chìa khóa” mang lại những hiệu quả tích cực trong phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Trấn Yên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.