Hỗ trợ doanh nghiệp

Kỳ 1: Phải xử lý hình sự mới có tác dụng răn đe

Xử lý hình sự chủ DN nợ BHXH được xem là biện pháp răn đe mạnh nhất đối với hành vi vi phạm về BHXH. Hiện nay, DN nợ BHXH hàng nghìn tỉ đồng và không có dấu hiệu giảm nợ, ảnh hưởng đến quyền lợi hàng trăm nghìn lao động, vậy việc xử lý hình sự có thực sự khiến DN e dè?

Tung chiêu để trây ỳ nợ

Cty CP Tập đoàn Mai Linh (TPHCM) nợ BHXH kéo dài, bị cơ quan BHXH khởi kiện vào cuối năm 2012 với số nợ khi đó khoảng 33 tỉ đồng. Từ năm 2012, cơ quan BHXH TPHCM đã kiện Cty Mai Linh ra tòa và được tuyên thắng kiện nhưng không những không thi hành án, Cty Mai Linh còn để nợ BHXH tăng thêm, lên đến hơn 100 tỉ đồng, trở thành “ông trùm” nợ BHXH của TPHCM. Sau đó, Cty CP Tập đoàn Mai Linh đã nghĩ ra kế… hoãn binh, đó là thành lập một Cty mới, để 8 Cty “con” của mình ngừng hoạt động. Cụ thể, đến tháng 3.2016, 8 Cty con của Mai Linh đã không còn NLĐ nào, các Cty này cũng không giải thể hay phá sản và số nợ BHXH đã lên tới gần 115 tỉ đồng. Cty Mai Linh xuất hiện 1 Cty mới với tên Cty TNHH Tập đoàn Mai Linh với hơn 6.000 lao động và tiếp tục nợ BHXH hơn 15 tỉ đồng (số liệu của cơ quan BHXH đến hết tháng 3.2016). Cty CP Tập đoàn Mai Linh là một ví dụ điển hình về nợ BHXH mà tất cả các biện pháp như hòa giải, khởi kiện, thi hành án gần như bó tay!

Cty CP Tập đoàn Mai Linh - đơn vị đang nợ BHXH hàng chục tỉ đồng.

Hiện nay, đã có Nghị định 95, Nghị định 88 về xử phạt hành chính đối với các vi phạm về chính sách lao động, BHXH, trong đó đã có những hình phạt rất cụ thể đối với trường hợp vi phạm nợ đóng BHXH cũng như thời gian vi phạm bao lâu để có hình thức xử lý phù hợp. Thế nhưng nợ BHXH vẫn tăng nhanh. Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, đến hết quý I/2016, số thu BHXH bắt buộc là 34.288,9 nghìn tỉ đồng, đạt 21,82% kế hoạch năm. Chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp là do nợ đọng tăng nhanh, tăng 68% so với quý IV/2015. Tổng nợ BHXH bắt buộc tính đến hết ngày 31.3.2016 là 9.537,1 nghìn tỉ đồng.

Sẽ kiến nghị xử lý hình sự 3-4 doanh nghiệp

Từ tháng 7.2016, khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực, nếu giả mạo hồ sơ, trốn đóng, chậm đóng, trục lợi từ BHXH, BHYT đều bị khởi tố hình sự. Trước ý kiến cho rằng, khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực vào ngày 1.7.2016, một số DN nợ BHXH trước thời điểm này sẽ “bình an vô sự” vì luật sẽ không hồi tố, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: Nếu DN vẫn đang nợ, không trả thì số nợ đó sẽ tích lũy và dần lớn lên thì luật vẫn sẽ xử lý được. Luật sẽ không bỏ sót ai.

Nói về chiêu trò của một số DN như khoanh nợ, thành lập Cty mới hoạt động để cách ly khoản nợ cũ, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng: Dù có dùng chiêu trò gì thì chủ DN vẫn sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về khoản nợ của DN mình. Tuy nhiên, ông Bùi Sĩ Lợi cũng thừa nhận, tình hình thực tế bây giờ khá khó nhưng không phải khó là mình không làm. “Có DN khó thật, có DN thì “xù” thật, có DN khó vẫn lo cho NLĐ thì cơ quan BHXH cũng nên khoanh lại và yêu cầu họ trả dần, bởi đó là tiền của NLĐ, còn DN mà cố tình trây ỳ thì phải xử lý nghiêm” - ông Lợi nói.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính: Trước khi khởi tố hình sự DN vì nợ BHXH thì phải áp dụng tất cả các biện pháp xử phạt hành chính, ví dụ như trước đây BHXH đã khởi kiện nhưng vẫn trây ỳ, không chịu trả. Và thực tế có rất nhiều DN cố tình trây ỳ thì biện pháp xử lý mạnh là kiến nghị cơ quan tố tụng xử lý hình sự.

 

Ông Mai Đức Chính cho biết thêm, trước đây, tại cuộc khảo sát giữa các bên về tình hình nợ BHXH, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho Tổng LĐLĐVN đến cuối năm 2016, kiến nghị 3-4 DN nợ BHXH đến các cơ quan tố tụng, tư pháp để khởi tố, xử lý hình sự. “Không phải tất cả DN nợ BHXH đều bị khởi tố nhưng theo tôi chỉ cần xử một vài DN, chủ sử dụng lao động bị xử lý hình sự vì tội nợ BHXH thì sẽ có tác dụng răn đe lớn. Thực tế có rất nhiều DN sẽ tìm cách đối phó và mình phải xem xét các nguyên nhân nợ, đủ yếu tố cấu thành tội hình sự, phạm tội dù đã tuyên truyền, áp dụng tất cả các biện pháp thì kiến nghị xử lý” - ông Chính nói.

Nên đọc

 

XỬ LÝ DOANH NGHIỆP NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI THEO LUẬT MỚI

Kỳ 1: Phải xử lý hình sự mới có tác dụng răn đe

Theo báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo