Hỗ trợ doanh nghiệp

Kỳ tích xuất khẩu của doanh nghiệp FDI: Phía sau tấm huy chương

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, song niềm vui sẽ trọn vẹn nếu nền kinh tế đáp ứng được nhu cầu nguyên, vật liệu để giảm tỷ lệ nhập khẩu của khối này.

4,322 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng điện thoại di động và linh kiện tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2012, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Con số này khiến dư luận ngỡ ngàng, bởi tăng tới 126% (tương đương 2,41 tỷ USD) so với năm trước.

 

Hơn thế, điện thoại di động tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

 

Đáng chú ý hơn, đóng góp phần lớn cho kim ngạch xuất khẩu này là Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV). Năm ngoái, Công ty này đã xuất khẩu được 6,1 tỷ USD, còn năm nay, tính tới thời điểm này, con số đã là trên 4 tỷ USD.

 

“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của SEV sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, vì Galaxy SIII (sản phẩm điện thoại chủ lực của Samsung, đang thu hút được sự quan tâm của thị trường toàn cầu - PV) cũng đã bắt đầu được sản xuất tại Bắc Ninh và xuất khẩu đi toàn thế giới”, một  đại diện của SEV cho biết.

 

Thừa nhận điều này, trao đổi với Báo Đầu tư, ông Kim Yong Seok, Giám đốc Phòng Kế hoạch Samsung Complex, cho biết, kế hoạch trong năm nay, SEV sẽ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.

 

Trong khi đó, tuy khiêm tốn hơn rất nhiều, song “người anh em” của SEV - Samsung Vina - sau 5 tháng đầu năm cũng đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 80 triệu USD - đóng góp một phần không nhỏ cho việc nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tính đến ngày 15/6/2012 lên 26,2 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 54,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước (48,235 tỷ USD).

 

Đánh giá cao kết quả này, đặc biệt với việc tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cũng như của riêng khối doanh nghiệp FDI, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, đó là một động thái rất tích cực.

 

“Điều đó chứng tỏ rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng. Ngay từ khi bắt đầu thu hút FDI, chúng ta đã đặt ra mục tiêu tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng chế tạo, công nghệ cao”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

 

Quả thực, số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước chậm lại, thì khối doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

 

Bên cạnh điện thoại di động, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đã đạt kim ngạch xuất khẩu 3,064 tỷ USD, tính đến ngày 15/6. Và cùng với Samsung, những nhà sản xuất công nghệ cao khác, như Intel, Canon… cũng đã đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

 

Năm ngoái, theo số liệu của Bộ Công thương, Công ty Canon Việt Nam, với các chi nhánh tại Hà Nội và Bắc Ninh đã xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD; còn Intel Việt Nam xuất khẩu 462 triệu USD USD…

 

Kỳ vọng đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao càng lớn hơn, khi nhà máy điện thoại di động của Nokia dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2013. Ngoài ra, còn không ít nhà đầu tư công nghệ cao khác cũng đang tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư tại Việt Nam, như Wintek, Kyocera…

 

Hơn thế, một điều quan trọng không kém các con số, đó là khi Samsung, Intel, hay Canon đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, thì Việt Nam đã có tên trong chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. 

 

 

Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ, doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, nhưng nhập khẩu cũng lắm. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2012 cũng đã lên tới 25,3 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Điều này khiến cho niềm vui tăng trưởng xuất khẩu ít nhiều không còn được trọn vẹn.

 

“Xuất khẩu nhiều, nhưng phải quan tâm xem giá trị gia tăng mình nhận được bao nhiêu”, GS-TSKH Nguyễn Mại bình luận, song đồng thời cũng bày tỏ quan điểm rằng, không thể trách doanh nghiệp FDI, bởi thực tế, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa đủ sức để cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất.

 

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Kim Yong Seok cũng cho biết, hiện tỷ lệ nội địa hóa của SEV chỉ khoảng 20%.

 

“SEV liên tục sản xuất các sản phẩm mới, đòi hỏi linh kiện mới, mà các nhà sản xuất nội địa thì không thể đáp ứng được”, ông Kim nói và cho biết, chỉ riêng hai loại linh kiện là bán dẫn và màn hình LCD cho điện thoại di động, mà SEV phải nhập khẩu hoàn toàn, đã chiếm tới 50% giá trị của một chiếc điện thoại.

 

“Không một doanh nghiệp nào muốn phải nhập khẩu linh kiện, mà đều muốn sử dụng nguyên liệu tại chỗ để tiết kiệm chi phí, nhưng thực tế, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam chưa đáp ứng được. Một nhà máy sản xuất bán dẫn phải đầu tư hàng trăm triệu USD, song họ không thể đầu tư lớn như vậy mà chỉ để cung cấp cho riêng Samsung mà thôi”, ông Kim bình luận.

 

Thực tế, một điểm mà GS-TSKH Nguyễn Mại đánh giá cao, đó là các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể thu hút rất lớn các nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư này, cũng như làm sao để tạo sự liên kết, sức lan tỏa giữa các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ và chuyển giao công nghệ.

 

 

Theo Đầu tư

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo