Hỗ trợ doanh nghiệp

Kỳ vọng dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường châu Âu

(DNVN) - Với kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường châu Âu, Itochu chi khoảng 47 triệu USD mua thêm 10% cổ phần Vinatex. Quyết định này thể hiện mong muốn đưa đất nước trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may cho thị trường châu Âu.

Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin từ Nikkei, nhà kinh doanh Nhật Bản này đã chi khoảng 5 tỷ yên (tương đương 46,9 triệu USD) để nâng cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) lên gần 15%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Bộ Công Thương. Trước đó, Itochu đã sở hữu gần 5% cổ phần Vinatex, sau khi doanh nghiệp được IPO năm 2014.

Là một tập đoàn thương mại đa ngành trong đó có dệt may, Itochu đã đầu tư vào Việt Nam từ nhiều năm trước để phát triển công nghiệp dệt may. Đầu năm 2017, Itochu đã từng thỏa thuận với Vinatex được ký kết nhằm phát triển chuỗi cung ứng ngành dệt may, từ xơ, sợi, vải đến may, phân phối bán lẻ. Trước đó từ năm 2015, Itochu đã hợp tác với Doximex, một thành viên của Vinatex trong hoạt động dệt - nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu. Thương vụ này dự kiến ​​sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc hiệu suất cao tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ. Đồng thời, Itochu có thể sản xuất các sản phẩm như đồ thể thao thông qua hợp tác với các nhà sản xuất nguyên liệu.

Cũng theo Nikkei, Itochu đã xuất khẩu một lượng hàng may mặc từ Việt Nam trên 60 tỷ yên mỗi năm, trong đó đến 50% do Vinatex sản xuất. Chưa dừng lại, đối tác ngoại này còn dự kiến tăng con số này lên 100 tỷ yên vào năm 2021. Mục tiêu này được xây dựng trên nền tảng Việt Nam tham gia vào hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu cũng như Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Do đó, nước ta được chọn trở thành một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc, nơi chi phí nhân công đang leo thang.

Về Vinatex, Tập đoàn hiện đang vận hành khoảng 200 nhà máy may với công suất hơn 300 triệu sản phẩm/năm, bên cạnh các nhà máy sợi và dệt nhuộm. Năm 2017, Tập đoàn đạt doanh thu trên 17 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 714 tỷ đồng.

Khá thầm lặng trên thị trường cho đến phiên giao dịch ngày 26/3, một khoản giao dịch thỏa thuận đột biến khiến mọi chú ý đổ dồn về VGT khi nhà đầu tư nước ngoài đã mua 50 triệu cổ phiếu. Đồng thời, khối ngoại cũng bán ra 15 triệu cổ phiếu VGT trong ngày hôm đó. Giá trị thỏa thuận 50 triệu cổ phiếu nói trên đạt 810 tỷ đồng, tương ứng 16.200 đồng/cp.

 

Nên đọc
Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo