Làm ăn thời…căng thẳng ngoại giao
Big C mới đây đã phát đi thông cáo để nói lại cho rõ về vụ “nho dán cờ Trung Quốc”, một vụ việc gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây.
Thông cáo của Big C khẳng định sản phẩm nho bị dán nhầm cờ Trung Quốc là “nho Việt Nam”. Hệ thống siêu thị này khẳng định, nho có nguồn gốc từ vùng Ninh Thuận và được cung cấp bởi nhà cung cấp Minh Quang (trụ sở đóng tại Đan Phượng, Hà Nội), với đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định.
"Việc dán nhầm cờ Trung Quốc lên nho Việt Nam là do sơ suất của nhân viên trong lúc đóng gói. Đối với nhân viên đã gây ra lỗi trên, chúng tôi đã tiến hành kỷ luật với hình thức cao nhất. Chúng tôi thành thật xin lỗi quý khách hàng về sự nhầm lẫn hy hữu đã gây những hiểu lầm không đáng có”, thông cáo của Big C viết.
Cho dù hiện tại, còn những ý kiến của bạn đọc trên nhiều tờ báo nghi hoặc về cách giải thích của Big C, song dù sao đây vẫn có thể xem là động thái khá nhanh chân của đơn vị này trong nỗ lực giải quyết một vụ khủng hoảng truyền thông.
Trong bối cảnh những căng thẳng ngoại giao liên quan đến các quần đảo ngoài biển Đông đang gia tăng, vụ việc rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía các khách hàng của Big C. Một sự phát động tẩy chay Big C trên cộng đồng mạng chẳng hạn, hoàn toàn có thể bùng phát nếu Big C không nhanh chóng sửa sai trong trường hợp này.
Câu chuyện của Big C khiến chúng tôi liên tưởng đến một số vụ việc khác mà các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải trong thời gian qua, có thể dẫn đến rắc rối với chính quyền và khách hàng nếu thiếu hiểu biết hoặc không kiểm soát tốt tình hình.
Từ ngày 7/3, Công ty Ôtô Việt Nam Daewoo (VIDAMCO) mang logo mới của GM Daewoo. Theo thông báo của công ty này, “đây là trình tự tiếp theo của sự kiện ngày thành lập hãng mẹ GM Daewoo Auto & Technology (GMDAT), diễn ra vào ngày 17/10/2002 tại Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, ít người biết một sự việc là vào tháng 9/2011, khi đổi tên thành GM Vietnam, công ty này đã từng một lần công bố logo mới. Trong logo này, chữ “A” trong chữ “Vietnam” đã được cách điệu từ hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam.
Logo này gần như đã không được sử dụng vì ngay trong ngày ra mắt, một nhà báo am hiểu đã “lưu ý” ban lãnh đạo GM Vietnam rằng công ty có thể đối mặt với rắc rối vì chữ “A” cách điệu nói trên, đơn giản là các quy định về quảng cáo của Việt Nam không cho phép sử dụng quốc kỳ để… quảng cáo! “Lưu ý” chân tình này đã được GM Vietnam tiếp thu!
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, chính các doanh nghiệp trong nước đôi khi cũng gặp những sai sót khó giải thích, như trường hợp của chi nhánh ngân hàng VietinBank Ninh Bình. Đơn vị này đã tặng khách hàng quả địa cầu điện tử xuất xứ Trung Quốc, và trên quả địa cầu có những thông tin không chính xác về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc.
Sau khi thông tin về vụ việc xuất hiện trên các mặt báo, VietinBank Ninh Bình ngay sau đó đã phải tiến hành khắc phục sự cố trên bằng cách cam kết thực hiện ngay việc thu hồi những quả cầu đã tặng khách hàng và thực hiện tiêu hủy toàn bộ quả cầu hiện đang còn trong kho và thu hồi được.
Nhật Minh
Theo Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo