Hỗ trợ doanh nghiệp

Làm sao thu hút nhà đầu tư Nhật?

Các tập đoàn Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam qua hình thức M&A. Doanh nghiệp nào sẽ lọt vào mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản?
Làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã và đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Trong gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia mua lại các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản vẫn là quốc gia có nhiều tập đoàn đầu tư hoặc mua lại các doanh nghiệp Việt nhất, trên cả hai phương diện số lượng thương vụ và giá trị thương vụ.
 
 
Có thể ghi nhận một số điểm nhấn quan trọng từ hoạt động rà soát các thương vụ M&A từ Nhật Bản vào Việt Nam:
 

Hưởng lợi từ định giá hấp dẫn

 

Trong lúc thị trường chứng khoán của Việt Nam nói chung chỉ được định giá ở mức 11 lần lợi nhuận (PE) của doanh nghiệp thì các tập đoàn của Nhật trung bình chỉ phải bỏ ra số tiền ở mức 16 lần lợi nhuận của các doanh nghiệp được mua lại.

 

Đây là mức định giá được nhiều chuyên gia coi là quá hấp dẫn do mức thặng dư định giá quá thấp so với tỷ lệ sở hữu lớn từ các thương vụ. Điển hình là thương vụ Glico mua KBC.

 

Phía Nhật chỉ cần bỏ ra 34 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần của Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) ở mức giá 50 ngàn đồng/cổ phần. Mức giá này tương đương với 22 lần lợi nhuận/cổ phiếu năm 2011 của Kinh Đô và 1,6 lần giá trị sổ sách của Kinh Đô.

 

Mức giá này cũng cao hơn tới 92% so với giá cổ phiếu của KDC trước thời điểm công bố thương vụ. Tuy nhiên, ở các thị trường trong khu vực, ngành thực phẩm và đồ uống đang được định giá ở mức rất cao (Trung Quốc: 48,8 lần lợi nhuận, Thái Lan: 23 lần).

 

Điều đó cho thấy bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam khó khăn, cộng với thị trường chứng khoán ảm đạm và đang được định giá thấp đã trở thành một nhân tố giúp các tập đoàn Nhật Bản thâm nhập vào Việt Nam với mức phí hấp dẫn.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, phân tích này là phiến diện do giá trị cộng hưởng hay những điều khoản liên quan đến thương vụ là những giá trị không thể hiện trong những con số định giá mang tính quá khứ này. Ví dụ, phía Glico sẽ được phép tận dụng hệ thống phân phối trên 120 ngàn điểm để trưng bày và bán các sản phẩm của Kinh Đô.

 

Tuy nhiên, nhìn một cách thực dụng hơn, có một thực tế là chúng ta chưa chứng kiến một thương vụ M&A nào có sự đột phá thành công trong thời gian hậu M&A. Dẫu rằng, quá trình này thông thường có thể kéo dài 2 – 5 năm theo thông lệ.

 

Thương vụ giữa Tập đoàn Daio Paper từ Nhật Bản và Công ty Giấy Sài Gòn, sau những lô hàng xuất khẩu giấy qua Nhật được truyền thông rộng rãi sau khi công bố hoàn tất thương vụ M&A vào tháng 5/2011, đã không có nhiều lô hàng lớn xuất khẩu nữa. Nói cách khác, giá trị cộng hưởng lớn từ thương vụ M&A này vẫn chưa được hiện thực hóa như những gì các bên mong đợi.

 

Đối với một bên mua, định giá hấp dẫn hay có thể là "hời" hơn cũng không có ý nghĩa gì lớn, nếu như xem xét từ góc độ mục tiêu chính. Đó là giá trị cộng hưởng hay sự lớn mạnh của doanh nghiệp được đầu tư sau khi có sự tham gia của phía nước ngoài có được như kế hoạch đã định không.

 

Chính vì thế mà Mizuho vẫn mua Vietcombank (VCB) với mức giá cao hơn 15% cổ phần giá niêm yết và 17 lần lợi nhuận của VCB năm 2011, trong bối cảnh lợi nhuận của ngành ngân hàng nói chung ở Việt Nam có xu hướng suy giảm tiếp nhiều năm nữa.

 

Thực tế, VCB được đánh giá là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản "thực" tốt nhất trong 40 ngân hàng cổ phần hiện tại của Việt Nam. Chỉ riêng việc thực hiện thành công thoái 4 khoản đầu tư lớn trong năm 2011 đã đem lại số tiền hơn 107 triệu USD cho VCB.

 

Thực tế là việc định giá các thương vụ không chỉ đơn giản là PE hay số lần lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Tuy nhiên, thị trường vẫn nhìn nhận theo góc độ này. Do đó, nhìn nhận các thương vụ ở góc độ đơn giản này cũng là một cách nhìn xác đáng và mang tính "thị trường" cao.

 

Tận dụng thị trường và kênh phân phối

 

 

Các tập đoàn Nhật có xu hướng đầu tư M&A vào những doanh nghiệp có quy mô vừa và có những lợi thế nhất định

Nhìn vào các ngành mà phía Nhật đã tham gia M&A và đang có sự quan tâm lớn như thực phẩm, đồ uống, y tế, thương mại điện tử, hàng cá nhân & gia dụng..., có thể thấy một điểm quan trọng là họ đánh cược vào sức mua của gần 90 triệu dân số Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ và nhiều phân khúc còn nhiều tiềm năng.

 

Mức tiêu thụ bia tại Việt Nam hiện tại bình quân chỉ 22 lít/đầu người (Indonesia: 40 lít; Hàn Quốc: 43 lít) đã cho thấy vì sao Asahi và Kirin xếp hàng nhiều năm nay để có cơ hội đầu tư chiến lược vào Sabeco. Đó cũng là một trong những lý do tại sao Unicharm, một tập đoàn giấy Nhật Bản chiếm 25% thị phần băng vệ sinh và giấy thấm nước, hoàn tất sở hữu 95% cổ phần Diana - công ty đang chi phối 30-40% mặt hàng này tại Việt Nam.

 

Sẵn sàng đầu tư thiểu số

 

Các tập đoàn Nhật Bản có xu hướng đầu tư M&A vào những doanh nghiệp có quy mô vừa và có những lợi thế nhất định. Nếu không tính giá trị thương vụ 577 triệu giữa Mizuho với Vietcombank thì bình quân giá trị cho mỗi thương vụ chỉ khoảng 13 triệu USD.

 

Cholimex là một ví dụ, phía Nichirei chỉ chiếm 19% và giá trị thương vụ chỉ hơn 6 triệu USD. Chúng ta hoàn toàn rất khó thấy những thương vụ M&A nhỏ như vậy đến từ các tập đoàn Châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, phía Nhật có thể "kết" không chỉ tiềm năng của ngành thực phẩm đông lạnh hay nước chấm của Cholimex mà lợi thế về công nghệ đông lạnh của Nhật Bản có thể giúp đưa Cholimex lên một tầm cao mới.

 

Trong tổng số 30 thương vụ M&A vào Việt Nam năm 2011, chỉ có 5 thương vụ là phía Nhật đầu tư chi phối (trên 50%). Trong khi đó, hầu hết các thương vụ đến từ Châu Âu, Mỹ, Singapore chủ yếu là đầu tư thiểu số hoặc thậm chí chỉ là đầu tư tài chính nhiều hơn.

 

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại có xu hướng đầu tư chi phối. Điều này có thể được giải thích bởi yếu tố văn hóa và khả năng sẵn sàng chấp nhận thực tế quản trị yếu kém và tính minh bạch trong hoạt động và thông tin tài chính thấp của các tập đoàn Nhật Bản so với các tập đoàn từ Âu Châu và Mỹ.

 

Một thực tế là, nếu doanh nghiệp của bạn có thông lệ trả hoa hồng cho đối tác hoặc khách hàng thì xác suất có được một nhà đầu tư chiến lược từ Châu Âu hoặc Mỹ sẽ rất nhỏ. Trong khi đó, điều này có thể chấp nhận được từ phía Nhật nếu như doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch cụ thể để giảm và loại bỏ thông lệ này.

 

Cơ sở dữ liệu M&A của chúng tôi đã ghi nhận khá nhiều thương vụ thất bại chỉ vì những lý do được xem là rất bình thường trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoặc Châu Á này.

 

Thẩm định tỉ mỉ, chi tiết và kéo dài

 

Khác với văn hóa kinh doanh của phần lớn các ông chủ và lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam các quyết định kinh doanh lớn thường được thực hiện theo chiều "top down", hoặc thậm chí hợp đồng được quyết định trên bàn nhậu, các tập đoàn Nhật Bản thường có cách tiếp cận ngược lại.

 

Các bộ phận liên quan qua các cấp khác nhau như "Phát triển Kinh doanh" hay bộ phận "Kế hoạch" sẽ là đầu mối cùng với bộ phận chuyên môn thực hiện tiếp cận doanh nghiệp mục tiêu và qua nhiều bước thẩm định mới được trình lên người đứng đầu hoặc hội đồng đầu tư quyết định. Quá trình này kéo dài không chỉ bởi văn hóa quản trị như vậy mà còn bởi tính tỉ mỉ, kỹ lưỡng và kỷ luật của người Nhật trong từng thương vụ. Hầu hết các thương vụ đều kéo dài 1-2 năm.

 

Kinh nghiệm làm việc của chúng tôi với đối tác Nhật Bản cho thấy nhiều chuyến thăm của họ tưởng chừng rất vô bổ. Ví dụ, có một số chuyến thăm của các phái đoàn đến Việt Nam mà phía Nhật Bản không yêu cầu gặp doanh nghiệp, chỉ đến trụ sở thăm như một khách hàng và chụp ảnh rồi về lại Nhật.

 

Lần thứ hai sang họ thảo luận chi tiết hơn với tư vấn về doanh nghiệp, lần thứ ba con của ngài chủ tịch tập đoàn sang và mới bắt đầu tiếp xúc doanh nghiệp. Cứ chậm, lặng lẽ và chi tiết như vậy là triết lý và cách làm việc tỉ mỉ, tuần tự của người Nhật, điều đã giúp họ thành công trong nhiều lĩnh vực sáng tạo của nhân loại.

 

Đầu tư để tối đa hóa giá trị qua M&A đã hình thành tại Việt Nam từ năm 2000 và mới thực sự phát triển mạnh 3 năm trở lại đây. Khoảng thời gian này là chưa đủ dài để khẳng định hoặc tìm ra những doanh nghiệp Việt thực sự lột xác nhờ có đối tác chiến lược hay có ông chủ mới. Với Nhật Bản, chúng ta có thể kiên nhẫn và chờ đợi, như chính bản tính hiền hòa, chi tiết và kỹ lưỡng đến từng chi tiết của họ.
 
 
Hy vọng, sự đóng góp của họ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cho nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ được hiện thực hóa qua chính quá trình thử thách lâu dài này.
 
 

Diễn đàn M&A Việt Nam 2012:

Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 sẽ diễn ra tại Riverside Palace, TP.Hồ Chí Minh vào ngày 7/6/2012. Đây là diễn đàn thường niên do báo Đầu tư phối hợp với AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ đề năm nay là "Tạo giá trị cộng hưởng - Creating Synergies" với 5 nội dung chính: hội thảo chuyên đề M&A; chương trình kết nối đầu tư và triển lãm giới thiệu doanh nghiệp; kỷ niệm chương thương vụ tiêu biểu; phát hành đặc san "Vietnam M&A Outlook 2012"; khóa đào tạo M&A cao cấp. Theo thống kê từ các tổ chức nghiên cứu M&A như ThomsonReuter, IMAA, riêng quý I/2012, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong tổng giá trị 92,4 tỷ USD của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Nhật Bản). Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có hoạt động M&A sôi động nhất tại khu vực này.

Chỉ riêng năm 2011, có tới 265 thương vụvới tổng giá trị 6,3 tỷ đô la và riêng trong quý I/2012 có tổng giá trị đạt 2 tỷ đô la với 66 thương vụ. Các tập đoàn nước ngoài đẩy mạnh việc thâm nhập thị trường Việt Nam qua hình thức M&A thay vì thiết lập một doanh nghiệp theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ tháng 1/2011-3/2012, các tập đoàn Nhật Bản

đầu tư 30 thương vụ với tổng giá trị hơn 1 tỷ đô la vào 6 ngành được xem là tiềm năng của Việt Nam, bao gồm hàng tiêu dùng và gia dụng, thực phẩm và đồ uống, ngân hàng và tài chính.

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo