Hỗ trợ doanh nghiệp

Lận đận vì ưu đãi đầu tư

Câu chuyện không mới, nhưng lại được xới lên sau khi Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (Đồng Nai) đề xuất được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư để tiếp tục mở rộng đầu tư.

Công ty Bosch đã đầu tư 100 triệu USD ở Đồng Nai, chuyên sản xuất dây truyền lực trong hộp số tự động cung cấp cho các nhà sản xuất xe ô tô và phục vụ xuất khẩu.

 

Công ty đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 322 triệu USD vào năm 2015, nhưng theo ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam, kế hoạch này còn phụ thuộc vào việc Bosch có nhận được các cơ chế ưu đãi đầu tư hay không.

 

Điều mà Bosch mong muốn, là được hưởng các chính sách ưu đãi, đặc biệt với thuế thu nhập doanh nghiệp, như là một doanh nghiệp công nghệ cao.

 

Hiện tại, Bosch chưa được hưởng ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao. Đầu tư ở Khu công nghiệp Long Thành, Công ty cũng không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, theo như quy định tại Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Thậm chí, kể cả đang được ưu đãi lớn, thì khi mở rộng đầu tư, phần “tăng thêm” này cũng sẽ không được hưởng các cơ chế ưu đãi như phần đầu tư cũ.

 

Tất nhiên, hướng đã mở, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sau khi tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy, cho rằng Bosch đã đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí công nghệ cao và dự án phát triển công nghiệp phụ trợ, nên yêu cầu Bosch có văn bản chính thức đề xuất việc này.

 

Còn UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng phải có văn bản xác nhận quy mô đầu tư của Dự án để Bộ có cơ sở trình Chính phủ xem xét sớm ban hành cơ chế ưu đãi cho Bosch, thúc đẩy nhà đầu tư sớm mở rộng đầu tư.

 

Kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ. Trường hợp tốt nhất, nếu các đề xuất của nhà đầu tư này được thông qua, thì sẽ có thêm một dự án đầu tư được hưởng các cơ chế ưu đãi riêng. Thời gian gần đây, không ít dự án đầu tư cũng đã được xem xét ưu đãi đầu tư đơn lẻ theo kiểu này.

 

Thực tế, đã xuất hiện hàng loạt bất cập trong việc thực hiện các cơ chế ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đó không chỉ là việc đầu tư trong các khu công nghiệp không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, mà quy định còn có phần thiếu hợp lý khi chỉ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, còn các dự án mở rộng lại không.

 

Điều này, theo một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn tới thực tế là, nhiều dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực công nghệ cao lại không được hưởng ưu đãi, trong khi các dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi cao nhất.

 

“Trên thực tế, so với các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng có khả năng triển khai cao hơn, công nghệ được nâng cấp hơn”, vị này nói và cho biết, cũng chính vì quy định này, đã xuất hiện không ít trường hợp nhà đầu tư tìm cách lách luật bằng cách xin đầu tư một dự án mới để được hưởng ưu đãi, sau đó sáp nhập lại, thay vì mở rộng dự án cũ.

 

Thậm chí, ngay cả với một dự án mới, theo quy định hiện hành, thì sự thiếu thống nhất về đối tượng hưởng ưu đãi giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN, khi một bên cho là “dự án đầu tư”, một bên nhất quyết là “doanh nghiệp thành lập mới”, cũng khiến việc khuyến khích nhà đầu tư đầu tư thêm dự án mới trở nên khó khăn hơn.

 

“Không có ưu đãi thì nhiều nhà đầu tư sẽ không đầu tư nữa”, ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, người đang đau đầu với việc Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đang xin cơ chế ưu đãi cho phần đầu tư mở rộng từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD, mà chưa được Chính phủ thông qua, nói.

 

Câu chuyện của SEV có thể được coi là một trong những ví dụ điển hình nhất của những bất cập của quy định “dự án đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi đầu tư”, mà Báo Đầu tư đã hơn một lần đề cập. Là một dự án đầu tư lớn và có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, với dự kiến kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD trong năm nay, song hai năm nay, dự án này vẫn “lận đận” với việc đi xin ưu đãi đầu tư cho phần dự án mở rộng của mình.

 

“Chúng ta muốn khuyến khích nhà đầu tư làm ăn có lãi để đầu tư mở rộng, nhưng với quy định hiện hành, nhà đầu tư sẽ ít mặn mà hơn”, ông Nguyễn Văn Tứ, người cách đây 1 tháng đã chuyển từ cương vị Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sang đảm nhiệm vị trí Bí thư Huyện ủy Từ Liêm (Hà Nội) phát biểu.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tứ cho biết, Việt Nam hiện phải cạnh tranh thu hút đầu tư với Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., do vậy, các chính sách ưu đãi đầu tư vẫn rất cần thiết.

 

“Trong trung hạn, FDI vẫn là nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Bởi thế, không nên so đo thiệt hơn chuyện thu thêm hay bớt đi một đồng thuế, mà phải có chiến lược thuế rõ ràng, đặt trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phải có tư duy rõ ràng về cơ chế đôi bên cùng có lợi”, ông Tứ nói và bày tỏ quan điểm rằng, tất nhiên, không nên ưu đãi tràn lan như trước đây, mà phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án được ưu đãi.

 

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo