Hỗ trợ doanh nghiệp

Làng đá Non Nước bối rối với sư tử đá

Làng đá mỹ nghệ Non Nước (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang rơi vào cảnh ế ẩm bởi khuyến cáo không trưng bày linh vật "không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, mặt hàng sư tử đá bắt đầu rơi vào cảnh ế ẩm - Ảnh: Hữu Khá

Chuyên sản xuất sư tử đá nên làng đá mỹ nghệ Non Nước đang rơi vào cảnh ế ẩm kể từ khi Bộ VH-TT&DL khuyến cáo các cơ quan chức năng không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ông Huỳnh Chín - trưởng ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước - cho biết công văn khuyến cáo của bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, công ăn việc làm ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, bởi mặt hàng sư tử đá, kỳ lân, tỳ hưu đá chiếm đến 70% giá trị sản xuất của bà con làng nghề.

Lo bát cơm cho thợ thầy

Ông Trần Văn Thanh - một thợ chế tác đá có kinh nghiệm hàng chục năm ở làng đá mỹ nghệ Non Nước - cho biết trước đây sư tử đá bán rất chạy, làm ra tới đâu bán hết tới đó. Còn nay thì mặt hàng này trở nên ế ẩm.

“Thông tin không sử dụng linh vật sư tử đá trong các di tích lịch sử, cơ quan công sở đến với dân làng tôi hết sức bất ngờ. Hầu hết dân làng ở đây đều theo nghiệp chế tác đá, bọn tôi ăn ở, sống chết cùng với nghề này, mà con sư tử đá là thứ hàng bán chạy nhất” - ông nói.

Ông Thanh cũng cho biết lâu nay cơ sở chế tác đá của ông chủ yếu bán sư tử đá cho những người giàu có hoặc các vị có chức sắc, họ thường mua để làm quà biếu các công sở hay cung tiến cho các đình, chùa. Còn số người mua về chưng trước nhà hoặc trang trí ở các công ty, khách sạn tư nhân rất ít.

Còn ông Trần An - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ Trần An (nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn) - nói ông làm nghề này đã mấy chục năm và sản xuất theo thị hiếu của người tiêu dùng:

“Nói thật tôi cũng không biết con vật nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục cả. Bao năm nay du khách, các công ty kinh doanh ở khắp nơi trong cả nước cứ đến đặt hàng là tôi sản xuất. Họ đặt hàng hình mẫu con gì thì mình cứ làm ra con đó thôi. Con sư tử đá do có nhiều người mua nên dần dần chúng tôi mới sản xuất đại trà, bán rất hút hàng lại được giá nữa”.

Trước tình cảnh sư tử đá “chắc chắn ế”, ông An cho biết trước mắt chưa biết sản xuất con gì để giữ bát cơm cho thợ thầy.

Sản xuất “con gì” thay sư tử?

Ông Lê Cưng - một chủ cơ sở chế tác đá ở đây - nói: “Cơ sở của tôi chủ yếu sản xuất sư tử đá, tỳ hưu nhưng nửa tháng nay hàng bán rất ế. Dù vậy, tôi vẫn cho tiếp tục sản xuất cầm chừng để giữ chân thợ. Ở đây có nhiều cơ sở đang rơi vào cảnh chết dở vì bị hủy hợp đồng”.

Ông Nguyễn Văn Hiền - chủ tịch UBND P.Hòa Hải - cho biết làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có hơn 300 cơ sở và sản xuất rất nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, khuyến cáo “không trưng bày, không sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” đã khiến những cơ sở chuyên sản xuất, độc quyền về sư tử đá lâm vào cảnh khó khăn.

Hiện chính quyền địa phương đang tuyên truyền vận động bà con ở làng nghề từng bước chuyển đổi để tìm mặt hàng sản xuất phù hợp.

Tuy nhiên, ông Hiền cũng lúng túng: “Nói chính quyền đưa ra khuyến cáo gì, lựa chọn mẫu con vật gì phù hợp với thuần phong mỹ tục để yêu cầu người dân sản xuất theo là rất khó. Thực tế chính quyền cũng khó mà can thiệp sâu và bảo dân nên sản xuất con gì. Vì làng nghề có hàng trăm năm, người thợ rất tinh xảo nên tôi tin rằng người dân sẽ tự chuyển đổi được và họ sẽ tự tìm được đầu ra cho mình”.

Cũng vậy, dù chưa biết nên sản xuất mặt hàng nào thay cho sư tử đá vì “nếu sản xuất con khác mà khách không mua thì cũng chết”, ông Huỳnh Chín lại trông đợi vào chính người dân làng nghề.

“Tôi có niềm tin rằng thị hiếu của người dân cộng với trình độ tinh xảo của người thợ sẽ làm thay đổi được làng nghề” - ông Chín nói.

Chưa biết di dời sư tử đá đi đâu

Ông Lê Quang Tươi - trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - cho biết sáng 15-9, ban quản lý đã phối hợp với Phòng văn hóa thông tin Q.Ngũ Hành Sơn kiểm tra số lượng các loại linh vật đang đặt ở các chùa, di tích thuộc khu danh thắng.

“Số lượng hiện tại chúng tôi chưa nắm hết nhưng thực tế con số các linh vật, trong đó có sư tử đá, lân, đặt tại các chùa, di tích là rất lớn. Hiện vấn đề khó khăn nhất là xác định linh vật có hình dạng như thế nào là “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam” - ông Tươi nói.

Theo ông Tươi, đơn vị cũng chưa biết xử lý như thế nào về câu chuyện sư tử đá.

Trong khi đó, nhiều cơ quan, công sở tại Đà Nẵng và các điểm di tích lịch sử văn hóa khác có đặt sư tử đá cũng cho biết chưa biết lấy tiêu chí gì để nhận diện sản phẩm nào là ngoại lai. Các đơn vị này cho rằng họ sẵn sàng di dời nhưng hiện không biết phải di dời đi đâu. Còn đập bỏ thì rất phí vì các linh vật này có giá lên đến cả trăm triệu đồng/cặp.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Thanh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng - cho biết sau khi kiểm tra, có thống kê cụ thể sở mới đề xuất hướng xử lý.

 

Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo