Lắng nghe doanh nghiệp
Kết nối người lao động với DN
Thay đổi hình thức làm, chương trình “Đồng hành cùng DN” không mời đại diện DN đến để tặng hoa, quà mà Quận ủy, UBND, LĐLĐ quận 6 đến DN để nghe những phản ánh cũng như gỡ khó cho họ.
Tại chương trình gặp gỡ này, ông Nguyễn Sỹ Hoàng, Trưởng phòng Nhân sự Cty TNHH May Thêu Thuận Phương, phản ánh việc CN đã nhận tiền BHXH nhưng sau đó cơ quan BHXH quận bắt phải nộp lại với số tiền 20-30 triệu đồng gây khó khăn cho CN.
Đại diện cơ quan BHXH quận 6 cho biết trong khi chờ đợi giám định tai nạn lao động, cơ quan BHXH quận giải quyết cho CN hưởng chế độ ốm đau. Nhưng sau đó, có kết quả giám định tai nạn lao động, CN phải nộp lại tiền đã lãnh để làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động và chế độ này cao hơn chế độ nghỉ ốm. Nhưng qua phản ánh của DN, cơ quan BHXH sẽ nghiên cứu cấn trừ hoặc tạm ứng để CN không phải nộp lại tiền.
Trong lần gặp gỡ với lãnh đạo quận, ông Mai Xuân Lộc, Giám đốc An toàn tài sản Cty TNHH May Thêu Thuận Phương, bức xúc: “Buổi trưa, rất nhiều CN ra cửa công ty mua thức ăn, nước uống nên cũng có rất nhiều xe đẩy hàng rong đến bán. Họ đậu kín cửa công ty, xe và người không thể ra vào và gây mất thẩm mỹ cũng như an ninh trật tự trước cửa công ty. DN nhiều lần lên tiếng nhưng tình trạng này không giảm”.
Đại diện UBND phường 12 quận 6 đã tiếp thu ý kiến của ông Lộc và thừa nhận phường đã nhiều lần đến nhắc nhở các xe đẩy hàng rong nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Một phó chủ tịch phường cho biết do DN chưa tổ chức được bếp ăn tập thể trong công ty nên buổi trưa CN phải ra ngoài ăn. “Có cầu ắt có cung” vì thế DN, LĐLĐ quận và UBND phường sẽ có buổi làm việc để tháo gỡ vấn đề này.
Tại Cty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, bà Trần Phương Trân, Giám đốc Tài chính của công ty, phản ánh hiện nay các sản phẩm của công ty phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của Thái, Trung Quốc. Thế nhưng, các chi phí điện, nước, thuế… đều tăng gây khó khăn cho DN.
Việc tuyển dụng lao động cũng gặp khó khăn trong khi DN có chính sách xây nhà lưu trú, thưởng cho CN gắn bó lâu với DN. Chia sẻ những vấn đề này của DN, ông Lê Tấn An, Phó Chủ tịch UNND quận 6 cho biết UBND quận sẽ ghi nhận và có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN. Riêng vấn đề tuyển dụng lao động, LĐLĐ quận, Quận đoàn sẽ giới thiệu các thanh niên địa phương vào công ty làm việc.
Không nên phân biệt DN
Tại buổi tiếp xúc giữa DN với lãnh đạo Quận ủy, UBND, HĐND quận 3 mới đây, có hơn 10 ý kiến đã được nêu lên. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, phản ảnh: “Lãnh đạo nên có sự bình đẳng giữa các DN, không nên phân biệt DN trong nước hay DN ngoài quốc doanh. Khi xây dựng văn hóa DN, không chỉ tổ chức CĐ thực hiện mà còn phải có vai trò của Đảng ủy, Ban giám đốc, Đoàn Thanh niên… vì đây là một vấn đề lớn. Một DN thực hiện tốt vấn đề này người lao động mới cảm thấy thoải mái, tự giác nỗ lực và hết lòng với công việc. Khi đó, họ mới có trách nhiệm với bản thân, với công việc và với DN”.
Theo ông Hiền, ở Hòa Bình, nguồn vốn và nguồn nhân lực là hai trong ba loại nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực). Để khai thác, thu hút nguồn lực phải cần đến uy tín. Uy tín DN được biểu hiện trong văn hoá DN. Quan điểm của công ty “Mất tiền mất bạc có thể kiếm lại được – Còn mất uy tín là mất tất cả”, Hòa Bình đã quy tụ được nguồn nhân lực và những đối tác tốt nhất và nhờ vậy Hòa Bình đã góp phần rút ngắn khoảng cách tụt hậu và đuổi kịp về khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng so với thế giới và có thể thay thế hoàn toàn các nhà thầu ngoại trên thị trường Việt Nam.
“Thi đua phải thiết thực” là nội dung bà Hồ Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch CĐ Cty TNHH Sài Thành (quận 3) gửi đến lãnh đạo. Theo bà Nguyệt, các phong trào thi đua phải gắn với công việc cụ thể của từng người lao động, không nên phát động chung chung gây nhàm chán, mất uy tín trong người lao động. Như ở Sài Thành, nhân viên văn phòng đăng ký phong trào thi đua tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Các tài xế lái xe đăng ký giữ xe sạch đẹp, giao tiếp văn minh với khách hàng.
Tại hội nghị “Vai trò, trách nhiệm của chủ DN trong việc tổ chức hội nghị người lao động và hội nghị đối thoại” do Quận ủy, UBND, LĐLĐ quận Tân Bình tổ chức mới đây đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chủ DN. Một số chủ DN kiến nghị giãn thời gian tổ chức đối thoại thành 6 tháng hoặc 1 năm/lần.
Ông Đỗ Hoàng Trí, Trưởng phòng Nhân sự Cty TNHH TMSX Tân Hoàng Gia, phản ánh: “Việc tổ chức các buổi đối thoại cần phải phù hợp với thực trạng tại đơn vị, khi có những vấn đề quan trọng, cần thiết hãy tổ chức hội nghị đối thoại nhằm đảm bảo được yêu cầu sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Không nhất thiết phải làm theo định kỳ, khi có vấn đề bất thường vẫn có thể tổ chức đối thoại ngay. Đừng đến hẹn lại lên, không có nội dung để đối thoại, lãng phí thời gian của cả DN và NLĐ”.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM, cho biết: “Các chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo và DN nhằm để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Khi DN ăn nên làm ra, người lao động mới có việc làm, thu nhập ổn định”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo