Hỗ trợ doanh nghiệp

Lãnh đạo HUD khó bị kỷ luật do... vướng quy định

Bộ Xây dựng đề nghị không xem xét xử lý kỷ luật đối với những trường hợp quá thời hiệu kỷ luật và pháp luật chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với những trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác...

Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD). Kết luận này được cơ quan thanh tra công bố từ năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2017, lãnh đạo Chính phủ đã phải có yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm với các trường hợp cán bộ có vi phạm, khuyết điểm nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. 

Trong báo cáo gần đây, Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn HUD kiểm điểm trách nhiệm với 10 trường hợp, trong đó 7 thuộc Bộ quản lý và 3 do HUD quản lý. Sai phạm xảy ra nhiều năm và được thanh tra công bố 3 năm trước nhưng Bộ Xây dựng chưa kiểm điểm 4 cán bộ vi phạm. 

Trong danh sách 88 cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm PCCC có 19 chung cư cao tầng của Tổng công ty HUD.

Từ năm 2016, Bộ Xây dựng đã thành lập hội đồng kỷ luật đối với một cá nhân là Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc và một thành viên HĐQT, kiêm trưởng ban kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật của Bộ lại chưa kiến nghị để cấp có thẩm quyền kỷ luật các cá nhân trên theo quy định. 

Hơn nữa, theo Bộ Xây dựng, quy định hiện hành nêu rõ thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, cho đến ngày cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản xem xét, kỷ luật. Bộ cho rằng, vi phạm trong giai đoạn 2010-2012, trong khi kết luận thanh tra được ban hành vào tháng 4/2015.

"Như vậy, tính đến khi xem xét xử lý, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cá nhân có vi phạm đã hết nên không đủ căn cứ pháp lý để xem xét thi hành kỷ luật", Bộ Xây dựng lý giải đồng thời cho biết thêm hiện chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với các trường hợp nghỉ hưu. 

Với những cơ sở đó, Bộ cho biết đối với 4 cá nhân gồm ông Nguyễn Đăng Nam - nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), ông Nghiêm Văn Bang - Chủ tịch HĐTV,  ông Nguyễn Anh Tuấn (là HĐTV tại HUD) và ông Ngô Doãn - HĐTV kiêm trưởng ban kiểm soát nội bộ chỉ áp dụng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trong đó hai cá nhân bị đề nghị khiển trách. 

Với những cán bộ do HUD quản lý, Bộ Xây dựng cho biết doanh nghiệp cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật, họp kiểm điểm trách nhiệm đối với 3 cán bộ thuộc thẩm quyền đơn vị này quản lý với hình thức cảnh cáo. Tuy nhiên, với những trường hợp này, theo Bộ Xây dựng cũng đã quá thời hiệu để xử lý kỷ luật.  

 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, kiểm điểm trách nhiệm với các cá nhân vi phạm. 

Trước đó, tại kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố năm 2015 chỉ ra sự thiếu trách nghiệm của ban lãnh đạo tổng công ty này trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị. Theo đó, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính, quản trị dẫn đến chậm trễ và trì trệ trong việc triển khai, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn. Điều này đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn. Nợ phải trả lớn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty này còn có hành vi làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn. Tại các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái Điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của HUD.

Mạnh tay bán đất, HUD còn lại gì?

Trước đó, nhiều lô đất có vị trí đắc địa được Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bán đi trước đây, khiến giá trị doanh nghiệp trở thành một trong những nút thắt trong quá trình cổ phần hóa “đại gia” ngành xây dựng này.

Dạo một vòng qua các dự án do HUD làm chủ đầu tư, người ta dễ dàng nhận thấy tình trạng không còn nguyên vẹn của các dự án. Nhiều lô đất có vị trí đắc địa tại các khu đô thị Vân Canh, Văn Quán, Linh Đàm, Định Công, Việt Hưng… đã được HUD bán đi cho các chủ đầu tư thứ cấp từ nhiều năm trước.

 

Đơn cử, tại Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), sau khi quy hoạch được phê duyệt, HUD đã chuyển nhượng gần 40.000 m2 cho Công ty cổ phần Tasco (HUT) để xây dựng 16 biệt thự và 281 căn nhà ở liền kề. Cũng tại khu đô thị này, HUD cũng chuyển nhượng 9.920 m2 đất cho Công ty cổ phần Bất động sảnAZ (AZ Land) để xây dựng 4 tòa nhà cao tầng.

Tại Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), HUD đã chuyển nhượng lô đất CQ1 cho Công ty BIC Việt Nam. Tại Khu đô thị Linh Đàm, HUD cũng đã chuyển nhượng một diện tích đất lớn cho nhiều chủ đầu tư thứ cấp như Công ty Đầu tư xây dựng Vinashin và Công ty TNHH Thái Thịnh Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Hà…

Trong giai đoạn tái cơ cấu, phục vụ kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, HUD cũng đã bán đi những tài sản lớn của mình như: 1,5 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt (vốn điều lệ 60 tỷ đồng); 280.000 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc (vốn điều lệ 500 tỷ đồng). Cuối năm 2015, HUD cũng bán đi khu “đất vàng” rộng 2,1 ha tại góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp…

Thực tế này khiến việc xác định giá trị doanh nghiệp của HUD trở thành nút thắt trong tiến trình cổ phần hóa, đồng thời việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho HUD cũng trở nên hết sức khó khăn.

Thực tế từ năm 2016 đến nay, HUD không đưa ra được sản phẩm mới nào để cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Các dự án mà HUD đang đầu tư phát triển chủ yếu là các dự án nhà ở xã hội.

 

Được biết, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phương án cổ phần hóa HUD. Tuy nhiên, do đặc thù của HUD là sở hữu nhiều dự án với diện tích lớn về đất đai, nên  Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có ý kiến.

Theo phương án cổ phần hóa HUD, do Bộ Xây dựng đề xuất cuối năm 2016, giá trị doanh nghiệp của HUD tính đến hết tháng 12/2014 là 10.900 tỷ đồng, vốn nhà nước hơn 3.400 tỷ đồng. Khi tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ lại 51%, cổ đông chiến lược 25%, cán bộ, công nhân viên chức là 0,31% và nhà đầu tư bên ngoài là 23,7%. Mức giá cổ phần của HUD được dự định là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong góp ý gửi đến Văn phòng Chính phủ về phương án cổ phần hoá HUD mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra vấn đề lớn nhất là việc xác định giá trị của HUD đến thời điểm hiện tại đã quá 29 tháng (theo quy định của Bộ Tài chính là không quá 18 tháng), nên có nhiều biến động về giá trị tài sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, với tư cách là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, việc cổ phần hóa HUD không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược; đồng thời, khi IPO cần đấu giá rộng rãi, công khai toàn bộ cổ phần nhà nước tại HUD.  

Năm 2013, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) từng đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có phương án ứng vốn trả nợ vay nước ngoài cho dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao. Ý kiến nêu trên được HUD gửi tới cơ qua chức năng với tư cách là cổ đông góp 80% vốn vào Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao (có vốn điều lệ gần 640 tỷ đồng), trong bối cảnh doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn.

Nên đọc
Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo