Hỗ trợ doanh nghiệp

Lập mới danh mục ưu đãi đầu tư

Thêm một số dự án cần thu hút, loại những dự án không phù hợp chủ trương khuyến khích đầu tư là giải pháp bước đầu để chuẩn hoá lại danh mục các lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư.

Theo thông tin mới được cập nhật, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư sẽ có những điều chỉnh trong Danh mục Lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo. Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, đây là những thay đổi bước đầu trong khi chờ pháp luật về đầu tư có những chỉnh sửa toàn diện.

Cụ thể, Dự thảo đề nghị loại bỏ một số dự án không phù hợp chủ trương khuyến khích đầu tư theo quy hoạch ngành, hoặc trái với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo hướng đó, các dự án sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại đặc biệt, sắt xốp, phôi thép sẽ bị loại khỏi danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, các dự án sản xuất than cốc, than hoạt tính, sản xuất kim loại màu cũng không còn trong danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Những dự án sản xuất sản phẩm điện tử, nước hoa quả đóng chai, đóng hộp, sản xuất đồ chơi trẻ em, bìa ván nhân tạo… cũng không còn tên trong danh sách này.

Thế chân, các dự án xây dựng trung tâm công nghệ thông tin, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất thiết bị bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số dự án phục vụ an sinh xã hội… được bổ sung, nhằm thu hút dòng vốn vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Cụ thể hơn, các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc 5 chuyên ngành: dệt - may, da - giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên biển và hải đảo, chăn nuôi động vật đặc chủng (đà điểu, cá sấu, trăn...) trên các vùng đặc biệt khó khăn, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất da giày...  được bổ sung vào danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Các dự án trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới để sản xuất sợi, vải, da, đế… thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu cho ngành dệt may và da giày; sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử; sản xuất nguyên liệu, hóa chất phụ gia cho ngành nhựa; sản xuất các sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ của  ngành da - giày (khuôn đế, gót, phom, phụ kiện, hóa chất...) được bổ sung vào Danh mục Lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Cũng trong Dự thảo đang được hoàn tất và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 1/2012, danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài được đề xuất bổ sung một số ngành nghề mới, như kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên; thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ bưu chính; dịch vụ tân trang, tái chế, làm mới sản phẩm phần cứng, điện tử; dịch vụ cung cấp trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác nhằm mục đích kinh doanh; ngành sản xuất da thuộc các loại, vải và giả da các loại để sản xuất giày dép; tổ chức biểu diễn, trình diễn các hoạt động văn hóa nghệ thuật và sự kiện thể thao...   

 

Như vậy, nếu được Chính phủ chấp thuận, danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hơn so với hiện hành. Khi đó, các nhà đầu tư cũng sẽ phải tuân thủ thêm một số yêu cầu mới trong thủ tục thẩm tra đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Theo Dự thảo, nhà đầu tư khi tiến hành làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư phải giải trình rất cụ thể, chi tiết các nội dung gồm mục tiêu thực hiện dự án đầu tư (hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, cung cấp); quy mô của dự án đầu tư (năng lực sản xuất, cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ); các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu của hàng hóa, dịch vụ (nếu có); địa điểm đầu tư, kinh doanh (địa điểm sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ; diện tích đất, nhà xưởng, văn phòng dự kiến sử dụng). Phần nội dung về tổng vốn đầu tư của dự án được yêu cầu làm rõ cả vốn góp của nhà đầu tư và vốn vay, cũng như nguồn vốn và tiến độ huy động các nguồn vốn…

 

Đặc biệt, trong các nội dung được yêu cầu làm rõ, tiến độ thực hiện dự án đầu tư được yêu cầu diễn giải cụ thể, bao gồm tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có), tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án. Trong trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, nhà đầu tư được yêu cầu phải xác định mục tiêu, nội dung hoạt động của từng giai đoạn, đảm bảo trách nhiệm thực hiện của nhà đầu tư đối với từng giai đoạn của dự án.
 
Theo baodautu.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo