Linh hoạt rót vốn cho doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 15 về việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định trong luật vào cuộc sống.
Ưu tiên vẫn khó tiếp cận
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 khoảng 6,16%. Trong đó, tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa khá khiêm tốn, khoảng 2,61%, cho thấy việc đẩy vốn vào khu vực này chưa hiệu quả.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng, 70% còn lại phải huy động bên ngoài dẫn đến áp lực lớn về vốn. Chuyện vốn không chảy vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự tổng hòa của nhiều lý do. Với doanh nghiệp ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết dù được xếp vào 4 ngành công nghiệp chủ lực của TP, được một số ưu đãi về vốn nhưng các doanh nghiệp cơ khí gần như không mặn mà với nguồn vốn này.
"Vay vốn phải tính toán trả lãi, dù được ưu đãi lãi suất cũng phải chật vật khấu hao tài sản và trả nợ nên doanh nghiệp chọn "liệu cơm gắp mắm" cho an toàn" - ông Tống giải thích.
Bài toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn vẫn xoay quanh hiệu quả dự án và tài sản thế chấp. Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết từ đầu năm đến nay, NH này tổ chức nhiều chương trình kết nối dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng doanh nghiệp khu vực này vẫn chưa tiếp cận vốn tốt.
"Dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực từ đầu năm 2018 nhưng doanh nghiệp vẫn vướng mắc ở tài sản bảo đảm, tình hình tài chính chưa rõ ràng. NH chúng tôi vừa kết hợp với một đối tác xây dựng phần mềm quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, để họ có nền tảng quản trị doanh nghiệp bài bản ngay từ ban đầu. Nếu việc chứng minh dòng tiền, phương án tài chính, hiệu quả hoạt động tốt hơn thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn khả thi hơn" - giám đốc này nhận xét.
Cần hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp
Để tháo gỡ vướng mắc về vốn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại diện NHNN cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng ban hành các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng. Tuy nhiên, để đẩy vốn đến khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả hơn, cần sự vào cuộc của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Bản thân các quỹ này cũng cần hoạt động hiệu quả, đồng hành với NH thương mại, khi đó NH mới yên tâm đẩy vốn.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chỉ thị 15 quy định các thủ tục bảo đảm vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được đơn giản hóa, bắt đầu quan tâm đến tài sản tín chấp - gồm tài sản sở hữu trí tuệ và các dự án khả thi thông qua việc đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng một số cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tính toán, thiết kế hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp làm cơ sở để các NH đánh giá cho vay. "Đây là sẽ bước tiến lớn, không chỉ khuyến khích NH rót vốn mà còn giải quyết được vướng mắc lâu nay về điều kiện vay vốn" - ông Nam nhìn nhận.
Tính toán lãi suất hợp lý Theo Chỉ thị số 15, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. NHNN và Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo