Hỗ trợ doanh nghiệp

Linh hoạt trong sản xuất và tiêu thụ

Kết thúc quý I/2013, sản xuất và tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đều đạt tiến độ kế hoạch. Tuy nhiên, do cơ cấu tiêu thụ không điều hòa nên doanh thu bán than chỉ đạt 23,8% kế hoạch năm. Thực tế trên tiếp tục đặt ngành than trước thách thức mới…
Than cho điện- tiếp tục phải bù lỗ
 
Theo Phó Tổng giám đốc Vinacomin- Nguyễn Văn Biên, kết thúc quý I/2013, các chỉ tiêu sản xuất- kinh doanh (SXKD) cơ bản của tập đoàn đều tăng so với cùng kỳ năm 2012, một số chỉ tiêu tăng cao. Cụ thể: Tiêu thụ than ước đạt 10,7 triệu tấn, bằng 114% so với cùng kỳ, trong đó than xuất khẩu đạt 4 triệu tấn, bằng 196% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 24.046 tỷ đồng, bằng 106% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu than đạt 14.250 tỷ; sản xuất và tiêu thụ khoáng sản 825 tỷ đồng; doanh thu sản xuất điện 2.309 tỷ đồng; sản xuất cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp và SXKD khác đạt 6.661 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, thực tế, lượng than bán cho sản xuất điện chiếm tới hơn một nửa sản lượng than tiêu thụ trong nước (3,94 triệu tấn, bằng 31,3% kế hoạch năm) nhưng giá bán vẫn chỉ bằng 63 - 66% giá thành sản xuất... Cùng với đó, giá than xuất khẩu chưa được cải thiện, than xuất khẩu các chủng loại chất lượng cao như cám số 9, 10 giảm mạnh, hoạt động giao dịch chủ yếu vẫn diễn ra với các chủng loại thấp hơn như 11A, 11B, dẫn đến doanh thu bán than chỉ đạt 23,8% kế hoạch.
 
Ưu tiên tiêu thụ than giá thấp
 
Trước dự báo tình hình tiêu thụ than vẫn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước chưa phục hồi, giá than thế giới vẫn ở mức thấp, ông Lê Minh Chuẩn – Tổng giám đốc Vinacomin- cho biết: Quý II, tập đoàn tiếp tục tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất- tiêu thụ theo kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2013; phấn đấu 6 tháng đạt trên 50% các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản; quyết liệt giảm chi phí, thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, giữ ổn định thu nhập cho lao động, đặc biệt là thợ lò.
 
Thực hiện mục tiêu trên, ngay trong tháng 4 và trong suốt quý II, Vinacomin ưu tiên đẩy mạnh sản xuất - tiêu thụ sản phẩm linh hoạt, hiệu quả; thực hiện các biện pháp thắt chặt chi phí và điều hành sản lượng than xuất khẩu, tiêu thụ ở các đơn vị với tỷ lệ hợp lý. Trong đó, tiếp tục huy động sản lượng than của các đơn vị giá thành thấp như: Núi Béo, Hòn Gai, Vàng Danh, Thống Nhất. Sản xuất than hầm lò giữ ổn định theo tiến độ kế hoạch, giữ giá mua- bán giữa tập đoàn với các đơn vị đã ban hành. “Các đơn vị lộ thiên có giá thành kế hoạch cao phải tăng cường chế biến sâu, tối ưu chỉ tiêu công nghệ, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí để giao than cho tập đoàn với giá bán không cao hơn giá thị trường, ổn định việc làm, thu nhập và hoàn thành lấy than trước mùa mưa…”- Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn khẳng định.
 
Riêng với hoạt động tiêu thụ, cần tập trung bám sát thị trường, có biện pháp hợp lý, kịp thời, khuyến khích các đơn vị có giá thành thấp được tăng sản lượng tiêu thụ so với kế hoạch; giữ mối quan hệ với khách hàng, đảm bảo giao than cho khách đúng tiến độ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng than giao và tiến độ giao hàng.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo