Loạn vi phạm trên sàn chứng khoán
Theo thống kê đưa ra đầu năm nay của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2011 là năm thị trường chứng khoán xảy ra nhiều vi phạm nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng thừa nhận, tiền phạt thu được từ các doanh nghiệp niêm yết năm 2011 là kỷ lục. Năm ngoái, Ủy ban đã ban hành 164 quyết định xử phạt, thu ngân sách gần 11 tỷ đồng.
Sang năm nay, mặc dù chưa có số liệu tổng kết chính thức nhưng tính trung bình, hầu như ngày làm việc nào Ủy ban Chứng khoán và các Sở giao dịch cũng phải ban hành một quyết định nhắc nhở, xử phạt.
Phổ biến nhất là tình trạng các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ vi phạm công bố thông tin như mua, bán cổ phiếu trong âm thầm hoặc báo cáo quá chậm trễ; trì hoãn nộp báo cái tài chính...
Theo quy định, tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan nắm giữ từ 5% số cổ phiếu trở lên phải báo cáo thay đổi sở hữu trong thời hạn 7 ngày. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã báo cáo chậm tới hàng tuần, hàng tháng, thậm chí lờ tịt.
Ngày 7/6, ba cổ đông lớn của Sacombank (STB) bị phạt tổng cộng 180 triệu đồng do mua "chui" cổ phiếu gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu, Đầu tư Sài Gòn Exim và ông Trần Phát Minh - người hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất của Sacombank.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi mua "chui", Công ty Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu và cá nhân ông Trần Phát Minh sau đó lại bị phát hiện bán "lén" cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ STB. Trong khi Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu bán 900.000 cổ phiếu thì ông Trần Phát Minh - Chủ tịch HĐQT KienLongBank cũng bán 876.450 cổ phiếu không công bố.
Với trường hợp vi phạm công bố thông tin của 3 cổ đông lớn Sacombank, cả Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu, Đầu tư Sài Gòn Exim lẫn cá nhân ông Trần Phát Minh đều "đột ngột" thành cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần) của Sacombank chỉ sau một giao dịch.
Cả 3 đều được họ thực hiện lần lượt ngày 1/3, 9/1 và ngày 24/2. Như vậy, đến nay - khi ván bài thâu tóm Sacombank gần như đã hạ màn - sau ít nhất 3 tháng kể từ khi vi phạm xảy ra, Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới xử phạt. Các chuyên gia nhìn nhận việc xử lý này quá chậm trễ.
Tương tự, Ủy ban chứng khoán gần đây liên tục phải đưa ra quyết định xử phạt các cổ đông về việc vi phạm công bố thông tin. Trong khi nhiều cổ đông giao dịch thành công nhưng "trốn" báo cáo thì Công ty Vinalink - tổ chức liên quan với một thành viên HĐQT Công ty Vận tải ngoại thương (VNF) - lại bán 30.000 cổ phiếu trước ngày Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố. Kết quả là, Vinalink vừa bị phạt 40 triệu đồng.
Ngoài lỗi mua - bán cổ phiếu "tiền trạm hậu tấu" kiểu trên, một số công ty niêm yết còn nhiều lần tái phạm lỗi trì hoãn nộp báo cáo tài chính. Nhiều đơn vị đã kết thúc năm tài chính cũ gần nửa năm nhưng vẫn bị nhắc nhở đều đặn vì liên tục chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán. Công ty làm ăn thua lỗ, để câu giờ và giảm sức ép trước mùa Đại hội cổ đông, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án này.
Giữa tháng 3 năm nay, Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản (CAD) bị phạt 70 triệu đồng vì quá chậm trễ trong việc nộp báo cáo tài chính. Công ty này hoạt động 3 năm liền thua lỗ và đến ngày 4/6 bị buộc hủy niêm yết trên HOSE.
Lý do giải trình chậm công bố thông tin được các công ty niêm yết đưa ra khá "giời ơi đất hỡi" như: Bận tiếp đón kiểm toán Nhà nước hay giám đốc đi vắng chưa ký duyệt, hệ thống máy tính gặp trục trặc hoặc bộ phận văn thư sai sót do đợt nghỉ lễ kéo dài...
Lý giải về việc các vi phạm trên thị trường chứng khoán ngày một nhiều, thậm chí có chuyện vẫn tái phạm sau khi bị xử phạt..., một chuyên gia chứng khoán độc lập tại TP HCM cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn khá nhạy cảm, bối cảnh kinh tế khá đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng phớt lờ quy định và vi phạm dù biết có thể bị phạt tiền.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội VAFI lại cho rằng nguyên nhân cơ bản là chế tài - công cụ chưa đủ, xử phạt quá nhẹ. Ông đề xuất, hệ thống của các Sở giao dịch cần lập những "barrier" để ngăn chặn việc mua lén bán chui.
"Tôi nghĩ việc này không hề khó với tiềm năng của các Sở. Dù giao dịch đã thành công nhưng chỉ khi nào tổ chức/cá nhân báo cáo và công bố thông tin thì mới mở 'barrier' cho họ. Để xảy ra tình trạng như vừa qua, theo tôi trách nhiệm ở các giám đốc Sở giao dịch khá nhiều, họ cần chấn chỉnh lại hệ thống".
Nguyễn Quang Thuân, Giám đốc Công ty Dữ liệu và Truyền thông Tài chính StoxPlus cũng cho rằng, với công nghệ và kỹ thuật hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát các vi phạm qua hệ thống dữ liệu được lập trình đơn giản.
Lãnh đạo StoxPlus cho biết thêm, ở nhiều nước, với những trường hợp vi phạm công bố thông tin, mức xử phạt không cố định mà sẽ sẽ căn cứ theo chỉ số (index). "Như hoạt động mua bán "chui", có yếu tố làm giá cổ phiếu, họ sẽ xử phạt căn cứ vào chỉ số có tiêu chí rõ ràng để tính toán thiệt hại của cổ đông, nhà đầu tư".
Theo các chuyên gia, với mức phạt hiện nay, lợi ích đạt được nếu vi phạm vẫn lớn hơn nhiều vài trục triệu tiền phạt. Vì thế, các lỗi như mua bán chui cổ phiếu, nợ báo cáo tài chính..., người vi phạm vẫn không ngán sợ.
Một chuyên gia chứng khoán ví von: "Cũng giống như việc vượt đèn đỏ. Họ thấy lợi ích từ việc vượt đèn đỏ để đến đúng giờ một cuộc hẹn làm ăn cao hơn nhiều thiệt hại vài trăm nghìn nếu bị công an bắt". Trên thực tế, nhiều cổ đông nội bộ và người có liên quan "vô tình" mua bán chứng khoán trước thời điểm công bố và thu lợi vài trăm triệu đồng nhưng chỉ bị phạt vài chục triệu - ông dẫn ví dụ.
Theo VNE
End of content
Không có tin nào tiếp theo