Hỗ trợ doanh nghiệp

Loay hoay với thuế đánh vào quỹ đầu tư

Bộ Tài chính làm việc với Hiệp hội Các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam để cùng tìm giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Hiện trên thị trường chứng khoán có khoảng 1,2 triệu nhà đầu tư, trong đó 98% là nhà đầu tư cá nhân “vốn mỏng”, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức và vẫn đầu tư theo phong trào, khiến thị trường chứng khoán ra đời cả chục năm mà chưa thể trưởng thành. 

 

“Nhà đầu tư tổ chức nói chung, quỹ đầu tư chứng khoán nói riêng là nhân tố ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, cần có chính sách thuế phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thành lập quỹ đầu tư chứng khoán; khuyến khích cá nhân tham gia mua chứng chỉ quỹ, thay vì đầu tư nhỏ lẻ vào từng loại cổ phiếu trên thị trường”, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) nói.

 

Trên thế giới, các quỹ hưu trí đóng góp vai trò hết sức quan trọng vào thị trường chứng khoán do có nguồn vốn dồi dào nhờ. Ông Dương Thế Quang, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vina Wealth cho biết, nhiều nước sử dụng chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các quỹ hưu trí tham gia đầu tư vào thị trường tài chính.

 

Đơn cử, Thái Lan hiện có 5 quỹ hưu trí, trong đó có Quỹ An sinh xã hội. Nước này miễn thuế phần đóng góp hàng tháng của người lao động và doanh nghiệp vào Quỹ An sinh xã hội; miễn thuế thu nhập cá nhân cho người tham gia Quỹ An sinh xã hội khi họ nhận tiền hàng tháng lúc về hưu.

 

Toàn bộ thu nhập từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán của quỹ này không phải nộp thuế. Với các quỹ còn lại, Thái Lan cũng có nhiều chính sách miễn, giảm thuế khác nhau.

 

Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ miễn thuế phần đóng góp vào bảo hiểm xã hội bắt buộc (một loại quỹ hưu trí) cho người lao động và doanh nghiệp. Bảo hiểm xã hội bắt buộc hoạt động dưới dạng tổ chức sự nghiệp công, nên hiệu quả đầu tư rất thấp.

 

Trong khi đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện mới manh nha hình thành trên cơ sở nhận tiền đóng góp của người lao động không tham gia bảo hiểm bắt buộc để đầu tư vào nền kinh tế lại không được miễn thuế.

 

Theo ông Quang, đây là nguyên nhân khiến quỹ hưu trí của Việt Nam không hấp dẫn và thị trường tài chính thiếu đi kênh dẫn vốn quan trọng này.

 

“Bộ Tài chính nên nghiên cứu để có chính sách thuế phù hợp với các quỹ hưu trí. Việc ban hành chính sách thuế phù hợp không chỉ thúc đẩy người dân tiết kiệm, góp một phần tiền nhàn rỗi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn giảm gánh nặng cho xã hội khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu”, ông Quang đề xuất.

 

Ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, phương án xây dựng một chính sách thuế phù hợp với thị trường chứng khoán nói chung, với các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ hưu trí nói riêng cũng đã được bàn bạc rất kỹ, nhưng đánh thế nào, đánh ở khâu nào, đánh mức thuế bao nhiêu là vấn đề hết sức phức tạp, vì các nước có sự khác biệt rất lớn liên quan đến việc đánh thuế với quỹ hưu trí.

 

Theo ông Thi, người lao động có thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng, nếu họ dành một nửa để đóng góp vào quỹ hưu trí mà không thu thuế thu nhập cá nhân là không công bằng. Sau khi về hưu, những người tham gia quỹ hưu trí có thu nhập hàng tháng tới hàng chục triệu đồng mà không thu thuế cũng là thiếu công bằng. Nhưng thu thuế cả với những khoản đóng góp vào quỹ hưu trí dưới dạng tiền tiết kiệm của người lao động lại bất hợp lý.

 

“Thời kỳ cứ mua cổ phiếu là có lãi đã đi vào dĩ vãng. Để thị trường chứng khoán phát triển, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án tái cơ cấu thị trường, trong đó, giải pháp về thuế được xem là quan trọng, nhưng phải bảo đảm ổn định, lâu dài.

 

Chính sách thuế chỉ góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, chứ không phải là van điều chỉnh thị trường, không thể tác động ngay đến thị trường chứng khoán”, ông Thi nói.

 

 

Theo Đầu tư

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo