Hỗ trợ doanh nghiệp

Luật hóa doanh nghiệp xã hội

Theo khảo sát của Hội đồng Anh, Việt Nam hiện có 211 doanh nghiệp xã hội, cùng 165.000 tổ chức có một số đặc tính hoạt động như doanh nghiệp xã hội. Rõ ràng, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội đang đòi hỏi phải luật hóa loại hình doanh nghiệp này.

Khái niệm và hoạt động của doanh nghiệp xã hội

Lần đầu tiên, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo) đã công nhận doanh nghiệp xã hội về mặt pháp lý. Theo khoản 1, Điều 11 của Dự thảo, DNXH là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động với tôn chỉ và mục đích giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.

  Khái niệm doanh nghiệp xã hội, Luật hóa doanh nghiệp xã hội  
  Sự phát triển mạnh mẽ của DNXH đang đòi hỏi phải luật hóa loại hình doanh nghiệp này  

Khác với các doanh nghiệp thông thường khác, doanh nghiệp xã hội được thành lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, doanh nghiệp xã hội kinh doanh không có lợi nhuận.

Ràng buộc ở đây là, theo quy định của Dự thảo, ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp không chia cho cổ đông, mà tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường...

Theo Dự thảo, doanh nghiệp xã hội phải có nghĩa vụ duy trì tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh xã hội và môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký và điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 11 của Dự thảo trong suốt quá trình hoạt động (khoản 2, Điều 11 của Dự thảo).

Ngược lại, chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý và doanh nghiệp xã hội được tạo thuận lợi hoặc xem xét đặc cách trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội còn được hưởng chế độ ưu đãi và khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký (khoản 2, Điều 11 của Dự thảo).

Điều kiện, trình tự, thủ tục xác nhận và biện pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội sẽ do Chính phủ sẽ quy định chi tiết (theo khoản 3, Điều 11 của Dự thảo).

Chi tiết hóa doanh nghiệp xã hội về mặt pháp lý

Mặc dù doanh nghiệp xã hội đã được thừa nhận về mặt pháp lý trong Dự thảo, nhưng với quy định như hiện nay, Dự thảo có thể gây hiểu nhầm rằng, doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới nằm ngoài các loại hình doanh nghiệp thông thường khác đã có, như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, thực tế có không ít doanh nghiệp đang hoạt động có lợi nhuận, nhưng họ tái đầu tư và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội (như tạo việc làm cho người nghèo), chẳng hạn như Công ty Serapon ở Quảng Trị. Vậy các doanh nghiệp hoạt động công ích này, hay các doanh nghiệp sự nghiệp nhà nước có thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp xã hội hay không? Đó là vấn đề cần được làm rõ trong Dự thảo.

Để khuyến khích các giá trị mà doanh nghiệp xã hội đang theo đuổi, khoản 2, Điều 11 của Dự thảo dành một số đặc quyền cho doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp trong việc xem xét đặc cách cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan. Ngoài chi phí kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội còn phải gánh thêm chi phí xã hội, nên loại hình doanh nghiệp này cần thời gian lâu hơn để sản sinh ra lợi nhuận.

Chính vì điều đó, khoản 2, Điều 11 của Dự thảo cho phép doanh nghiệp xã hội được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội còn được hưởng những ưu đãi và khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, theo bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, do chưa có quy định pháp lý về mô hình doanh nghiệp xã hội, nên việc tiếp cận các cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế… sẽ rất khó khăn.

Trong điều kiện chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội, thì việc chỉ một điều luật là Điều 11 tại Dự thảo quy định về doanh nghiệp xã hội sẽ không đủ để trao cho doanh nghiệp xã hội đầy đủ tư cách và chế độ pháp lý cho sự tồn tại và hoạt động của loại hình doanh nghiệp này.

Do vậy, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên dành một chương riêng cho mô hình DNXH, hay chí ít cũng cần phải có một nghị định hướng dẫn rõ ràng về loại hình doanh nghiệp mới này để tránh tình trạng luật được ban hành và có hiệu lực, nhưng không được thực thi trong thực tế.

Khi có hành lang pháp lý cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp xã hội sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành cùng Nhà nước để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của đất nước.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo