Mâm xôi lên đời
Một anh công nhân đầy mơ mộng mua lại những cây giống thanh lý bằng những đồng tiền còm cõi và sau sáu năm chật vật, anh đã thành công trên chính mảnh đất ấy.
Đó là câu chuyện của anh Huỳnh Trung Quân (sinh năm 1975).
Quân liều
Cách nay 15 năm, anh Quân đã rời mảnh đất Kon Tum đến Lâm Đồng với ước mơ tìm cho mình một cuộc sống khác. Đi đến ngã ba Fi Nôm, huyện Đức Trọng, túi anh Quân trống rỗng.
Để vào được những vựa rau xin làm bốc vác sống qua ngày thì phải đi thêm 10km. Anh vẫy tay đón xe và nói với tài xế: “Thiệt tình tôi hết tiền, anh cho tôi quá giang vào thị trấn kiếm việc”.
Phụ xe thẳng thừng đuổi anh xuống, nhưng chiếc xe chạy được chục thước thì dừng lại. Tài xế mở cửa nói như quát: “Ông lên xe nhanh không tôi đóng cửa”. Bước lên xe rồi tài xế bảo: “Tôi thấy cha nói thiệt nên cho đi nhờ, nhưng tướng tá cha mà đi bốc vác thì cũng không đủ ăn”.
Tại mảnh đất Bắc Hội (huyện Đức Trọng), anh Quân làm bốc vác rồi làm công nhân cho công ty Pháp trồng phúc bồn tử. Bằng sự chăm chỉ với kiến thức vốn có, anh Quân được cất nhắc lên trưởng một trang trại trồng phúc bồn tử công nghệ Pháp rộng hơn 3.000m2.
Ở trang trại này, anh hiểu được giá trị của thứ cây mọc dại mà người Pháp phải cất công phát triển giống rồi mang tới tận Lâm Đồng trồng bán sang châu Âu và các khách sạn hạng sang. Năm 2008, công ty đổi chủ và những trang trại phúc bồn tử bị phá bỏ để trồng khoai tây.
Tiếc những cây giống châu Âu, anh Quân gặp chủ dự án xin mua lại với giá thanh lý 2.000m2.
Anh nhớ lại: “Phúc bồn tử ở Việt Nam mọc bờ mọc bụi đầy, nhưng giống châu Âu được nghiên cứu lai tạo đàng hoàng thì không dễ gì có được. Thấy người ta bỏ nên mình tiếc, cảm giác một cây phúc bồn tử bị hạ xuống thì mình cũng đau vậy”. Có bao nhiêu tiền tích cóp nhiều năm, anh dốc túi mua hết.
Mua được giống rồi nhưng không có đất, tức tốc trong đêm anh Quân chạy đến gặp cha vợ và xin mượn một khu đất nhỏ đang bỏ hoang. Cha hỏi trồng gì, anh đáp trồng cây phúc bồn tử.
Cha vợ nói tưng tửng: “Coi chừng phúc chưa thấy mà tử nghe con. Người ta bỏ chạy cớ sao mày đâm đầu vô?”.
Ngày anh đưa những bụi cây về vườn nhà, người trong xóm đi ngang qua bảo thằng Quân nó điên, trồng rau củ không trồng mà trồng cây dại. Năm đầu tiên trồng phúc bồn tử anh Quân như ngồi trên lửa, cây lá xum xuê mà không ra quả.
Kể lại câu chuyện bên ly nước ép phúc bồn tử lên men, anh Quân bảo: “Thật sự ngày đó tôi liều nhưng tôi tin cái chuyện chưa ai làm, lại có ích cho sức khỏe mọi người thì chắc chắn có tương lai của nó. Có điều mình phải kiên định”.
Khi nắm trong tay hơn 3ha phúc bồn tử với mức thu nhập mỗi năm gần chục tỉ đồng, anh Quân thừa nhận sự liều lĩnh và lãng mạn không thể thiếu khi khởi nghiệp.
Chuẩn VietGAP cho cây dại
Đến thời điểm này, anh Quân đã có hơn 3ha phúc bồn tử được chăm sóc bằng hệ thống nhỏ giọt tự động. Mỗi tháng các nông trại của anh cho thu hoạch trái đạt chuẩn khoảng 4,2 tấn, sau khi xử lý sạch và đóng gói anh xuất bán cho thị trường với giá hơn 200.000 đồng/kg.
Ngày trước khi anh trồng phúc bồn tử không ai tin anh nhưng giờ nhiều nông dân đã liên kết với anh để mở rộng sản xuất và tìm hướng xuất khẩu. Hiện anh Quân bắt đầu bán phúc bồn tử đã xử lý cấp đông sang Nga.
Tham quan những nông trại trồng phúc bồn tử, nhiều người thắc mắc khi thấy mỗi luống trồng loài cây mọc hoang dại đều có một cuốn nhật ký hoặc một biển nhỏ ghi những thông tin cơ bản như ngày xuống giống, ngày thu hoạch dự kiến, liều lượng phân bón...
Anh Quân cho biết toàn bộ vườn phúc bồn tử đã có chứng nhận VietGAP và ghi nhật ký nông trại là không thể thiếu.
Chứng nhận VietGAP đối với anh là một tấm vé thông hành giúp khách hàng tin rằng họ dùng sản phẩm sạch, được cơ quan chức năng công nhận, xóa dần hình ảnh loài cây hoang dại chưa ai công nhận về khả năng bổ trợ sức khỏe.
“Nói thật không chuẩn nào bằng lương tâm người trồng cây hết, tôi cam đoan điều này bằng lương tâm của người từng đi dạy học. Nhưng có điều người tiêu dùng tin vào lý thì mình phải đáp ứng, còn tình giữ riêng để dặn dò mình trồng cây hái trái sao cho đàng hoàng” - anh cười.
Đi dọc những luống trồng cỏ mọc um tùm, anh Quân nói: “Không cần phải dọn sạch cỏ, chỉ tỉa thưa thôi. Nhiều loài côn trùng sống trong cỏ sẽ tiêu diệt sâu bọ hại cây. Cứ để chúng tự sinh tự diệt, mình sẽ giảm được tối đa việc xịt thuốc”.
Sáu năm trồng phúc bồn tử, cũng ngần ấy thời gian anh Quân mày mò làm các chế phẩm từ phúc bồn tử tươi. Đến giờ anh đã hoàn thành giai đoạn chế biến thử nghiệm các loại nước ép lên men, nước cốt, mứt phúc bồn tử.
Những ngày cuối năm, anh Quân đang chạy như con thoi để hoàn thành nhà xưởng sản xuất các chế phẩm từ phúc bồn tử nhằm kịp thời cung cấp cho đối tác trong dịp tết.
Làm nhà xưởng chế biến là cách để anh Quân đưa phúc bồn tử đến với nhiều người ở xa và hạn chế được chuyện dư thừa. Với anh, làm nông sản nếu chỉ bán hàng tươi thì bấp bênh, nguy cơ thua lỗ do ùn ứ hàng rất cao.
Cùng khách nhấp một ngụm nước ép, anh Quân bảo: “Nước ép này còn ngọt lắm”. Nói rồi anh chia sẻ trong nhà xưởng sắp hoàn thành có phòng nghiên cứu vi sinh và anh sẽ nhờ kỹ sư nghiên cứu làm sao giảm tối đa lượng đường nhưng vẫn giữ được những tinh chất quý tự nhiên để người bị tiểu đường, béo phì có thể dùng được.
Phòng nghiên cứu vi sinh sắp hoàn thành thì anh Quân đón tin vui khi cơ sở của anh đã được cấp giấy phép sản xuất rượu vang từ nguyên liệu phúc bồn tử.
Sống trong vùng mà hằng ngày có những chiếc xe ngựa lộc cộc chạy ngang nhà nên anh Quân ví von câu chuyện của mình: “Tôi dồn hết vốn liếng vào phúc bồn tử lúc khởi nghiệp cũng giống như con ngựa bị che hai bên con mắt, chỉ biết chạy thẳng về phía trước. Đó là đích. Tôi tin rằng nếu toan tính quá nhiều thì không bao giờ làm được cái gì, dù nhỏ dù lớn”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo