Masan đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2017
Theo đó, điểm đáng chú ý trong báo cáo của Masan là tình hình kinh doanh đã trở lại rất tích cực trong quý IV/2017, với mức lợi nhuận thuần trước lợi ích cổ đông thiểu số đạt 2.141 tỷ đồng, tăng trưởng tới 72,9% so với năm 2016. Đồng thời, hiệu quả hoạt động tính cho cả năm 2017 tăng mạnh với hàng loạt chỉ tiêu tích cực như ROE bình quân đạt 21% (so với mức 18% năm 2016); vòng quay tiền mặt, số ngày hàng tồn kho,... đều giảm. Đây là cơ sở để ban lãnh đạo Masan kỳ vọng cao về kết quả kinh doanh cho năm 2018.
Nói về kết quả này, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Masan Group chia sẻ: “Năm 2017 là năm kết thúc thành công hành trình “Chuyển đổi” của Masan. Đối mặt với mọi thử thách, Masan luôn giữ vững niềm tin ở tầm nhìn chiến lược, tái kiến thiết mô hình hoạt động và thực thi hoàn hảo, tập trung nguồn lực cho tăng trưởng trung và dài hạn. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 mới chỉ thể hiện những ‘trái sớm đầu mùa’, nhưng rất rõ ràng và đầy hứa hẹn. Tôi tin tưởng vào những bước chuyển lớn và đột phá của mỗi nền tảng kinh doanh của Masan, để biến năm 2018 thành sự khởi đầu ấn tượng cho hành trình tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững”.
Trong năm 2018, Ban điều hành ước tính doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng khoảng 20% lên 45.150 tỷ đồng, với lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số (đã loại trừ các khoản thu nhập/chi phí bất thường) tăng trưởng khoảng 57% lên 3.400 tỷ đồng trong năm 2018 so với năm 2017.
Doanh thu thuần được dự đoán sẽ tăng trưởng hai chữ số trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Masan Consumer Holdings (“MCH”) dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 20% do không ngừng phát triển các sản phẩm mới, tăng cường đầu tư vào xây dựng thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối hiệu quả.
Masan Nutri-Science (“MNS”) dự kiến tăng trưởng một chữ số khi giá thịt heo hồi phục vào Quý 2/2018 và dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi Bio-zeem mở rộng đến tất cả phân khúc khách hàng trên thị trường. Quan trọng hơn, MNS dự kiến sẽ bán thịt mát (fresh chilled meat) có thương hiệu vào Quý 4/2018.
Masan Resources (“MSR”) dự kiến tăng trưởng hơn 30% do sản lượng các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram cao hơn và giá vonfram tiếp tục tăng.
Trong năm 2018, MCH tạo ra tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” thành “xây dựng thương hiệu”. Ngay từ nửa cuối năm 2017, các ngành hàng chính của MCH đang dần ổn định, trong khi các sản phẩm là trụ cột tăng trưởng vẫn duy trì được động lực. Doanh thu từ mì ăn liền đã tăng trưởng trở lại, tăng 16,3% trong cuối năm 2017 so với mức sụt giảm 18,7% trong cùng kỳ.
Ngành bia cũng đạt kết quả khả quan, khi doanh thu nửa cuối năm 2017 dự đoán không cao nhưng cũng đã đạt doanh thu bằng mức của năm 2016. Tăng trưởng mạnh mẽ của nước tăng lực (tăng 54,9% so với năm trước) và sản phẩm thịt chế biến (tăng khoảng 6 lần so với năm trước) đã minh chứng cho khả năng của MCH trong việc tham gia vào các ngành hàng mới có tăng trưởng cao.
MNS là yếu tố chính làm giảm tăng trưởng trong năm 2017, mặc dầu vậy, dòng sản phẩm Bio-zeem “Xanh” (dòng trung cấp) cho heo và Bio-zeem cho gà thịt được đưa ra vào cuối năm 2017 và bước đầu đã được thị trường chấp nhận.
Tại thời điểm hiện tại giá thịt heo đang có dấu hiệu phục hồi. MNS tiếp tục khẳng định kế hoạch ra mắt sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) có thương hiệu trong năm 2018. Bằng chứng là, MNS dự kiến động thổ Tổ hợp Chế biến thịt tại Hà Nam vào ngày 4/2/2018 tới. Đây là cột mốc quan trọng cuối cùng để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) có thương hiệu vào Quý 4/2018.
Trong năm 2017, doanh thu thuần của MNS giảm 23,5% còn 18.690 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 629 tỷ đồng dù MNS đã đầu tư lớn nhằm gia tăng thị phần giữa khủng hoảng. Hiện thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo của MNS đã tăng lên 35% vào cuối năm 2017 so với 30% vào cuối năm 2016.
MSR đã đạt doanh thu 5.405 tỷ đồng trong năm 2017 so với 4.049 tỷ đồng trong năm 2016, tăng trưởng 33,5% do giá sản phẩm tăng. Lợi nhuận thuần sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng 88,0% lên 206 tỷ đồng mặc dù hàm lượng của nguyên liệu đầu vào giảm. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường việc thanh tra môi trường và siết chặt quota xuất khẩu, giá vonfram được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Ban điều hành MSR dự kiến doanh thu tăng 30% và lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2018.
Đồng thời, MSR tiếp tục chuyển đổi mô hình từ khai thác khoáng sản trở thành Nhà sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram, là nền tảng kinh doanh bền vững, giúp duy trì hiệu quả tài chính ổn định của MSR qua các chu kỳ hàng hoá.
Techcombank (“TCB”) đạt lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 8.036 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 nhờ chiến lược tập trung vào thu nhập từ phí dịch vụ. Trong đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh (“TOI”) của TCB tăng 38,12% từ 11.833 tỷ đồng trong năm 2016 lên 16.344 tỷ đồng trong năm 2017. Tăng trưởng TOI là nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (“NIM”) đạt 3,9% trong năm 2017. Dư nợ vay cho khách hàng tăng trưởng 12,8% trong năm 2017 đã giúp thu nhập lãi ròng tăng 9,7%.
Nguyên nhân chính giúp TOI tăng là do tập trung vào thu nhập phí dịch vụ và hoa hồng, tăng 20,95% lên 2.366 tỷ đồng trong năm 2017 từ 1.956 tỷ đồng trong năm 2016. TCB tiếp tục nâng mức tăng trưởng của thu nhập từ phí dịch vụ qua các sản phẩm bảo hiểm (nhờ vào hợp tác dài hạn và độc quyền với Manulife), qua các dịch vụ thẻ và quản lý tài sản.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (“CIR”) là 31,54% (không tính đến các khoản chi phí một lần), là mức thấp hàng đầu Việt Nam, và lợi nhuận sau thuế đã tăng tăng lên 6.445 tỷ đồng trong năm 2017 từ 3.149 tỷ đồng trong năm 2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo