Masan Group: Đánh giá lại khoản đầu tư vào Techcombank đưa lãi ròng 6 tháng tăng gấp gần 7 lần lên 3.031 tỷ đồng
Kết thúc quý 2/2018, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN), Masan Group ghi nhận doanh thu thuần 9.184 tỷ, giảm 3,1% so với quý 2/2017 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo, vốn đã kết thúc vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, nếu không tính Masan Nutri-Science (MNS), doanh thu thuần của Masan Group trong quý 2/2018 tăng 16,9% so với quý 1/2018.
Điểm qua về thị trường heo, giá heo đang dao động ở mức khoảng 48.000 đồng/kg tại miền Nam và 52.000 đồng/kg tại miền Bắc. Hiện nguồn cung thịt heo cho thị trường đang thấp hơn nhu cầu và ban điều hành tin rằng mức giá hiện tại sẽ là mặt bằng giá mới cho toàn thị trường.
Do đó, doanh thu thuần của Masan Nutri-Science tăng 9,1% trong quý 2/2018 lên 3.492 tỷ đồng so với mức 3.201 tỷ đồng trong quý 1/2018. Ban Điều hành kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2018 khi người chăn nuôi bắt đầu tăng đàn và chuyển sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi công nghiệp năng suất cao. Masan Nutri-Science đang đón đầu thị trường và các khoản đầu tư hỗ trợ người nông dân trong giai đoạn khủng hoảng gía heo bắt đầu mang lại hiệu quả.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group giảm 3,1% xuống 17.458 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với khoản thu nhập một lần do giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank (TCB) đã mang lại lãi khủng cho Tập đoàn. Cụ thể, lợi nhuận tài chính này đóng góp hơn một nửa lãi ròng nửa đầu năm 2018, theo đó Masan Group đạt ghi nhận lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt 3.031 tỷ đồng, tăng 566% so với nửa đầu năm 2017.
Nếu loại bỏ lợi nhuận một lần vào nửa đầu năm 2018 và giả định tỷ lệ sở hữu tại Techcombank vào nửa đầu năm 2017 bằng tỷ lệ sở hữu trung bình cùng kỳ năm nay, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Masan Group tăng 5,3 lần trong nửa đầu năm 2018 so với nửa đầu năm 2017 lên 1.559 tỷ đồng. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận thuần lên 8,9% trong nửa đầu năm 2018 so với 1,6% trong nửa đầu năm 2017.
Được biết, với mảng kinh doanh chính, lợi nhuận đến từ cải thiện nhờ vào việc tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính. EBITDA hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 tăng 38,4% lên 5.147 tỷ đồng so với mức 3.718 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017. Kết quả có được nhờ chi phí SG&A hợp nhất giảm 400 điểm cơ bản từ 20.6% xuống còn 16,6%, cùng với đó biên lợi nhuận EBITDA của Masan Consumer (MCH) tăng từ 12,7% trong nửa đầu năm 2017 lên 25,4% trong nửa đầu năm 2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo