Hỗ trợ doanh nghiệp

Masan và đối tác Đức đầu tư tinh luyện vonfram

Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn H.C. Starck để thành lập Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck.

(VnExpress) Núi Pháo và H.C. Starck sở hữu lần lượt 51% và 49% phần vốn trong công ty liên doanh nhằm thực hiện việc tinh luyện quặng vonfram đã được khai thác và chế biến sâu tại mỏ Núi Pháo thành các sản phẩm vonfram có giá trị gia tăng cao hơn. Doanh thu dự kiến của liên doanh sẽ khoảng 1 tỷ USD trong 10 năm.

Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo là một công ty con của Tập đoàn Masan. Trong khi đó, H.C. Starck là nhà sản xuất kim loại công nghệ cao hàng đầu và là một trong những công ty lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất vonfram.

Ông Andreas Meier, Chủ tịch và Tổng giám đốc Điều hành H.C. Starck nhận xét: "Masan đã phát triển một doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản mang đẳng cấp thế giới. Mỏ Núi Pháo sẽ là một nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công ty liên doanh".

Ông Madhur Maini, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer Holdings (MCH) kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Masan Resources, đánh giá việc hợp tác với H.C. Starck sẽ giúp Masan nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị vonfram. "Đây chính là minh chứng cho chất lượng của tinh quặng vonfram được chế biến sâu tại nhà máy của Núi Pháo", ông Madhur Maini nhấn mạnh.

Trữ lượng của Núi Pháo lên tới 52,5 triệu tấn quặng có chứa WO3 (vonfram trioxit) với phẩm cấp 0,21% và được xem là mỏ vonfram lớn nhất thế giới nằm ngoài Trung Quốc. Với công nghệ hiện đại, phương pháp khai thác đạt chuẩn quốc tế, mỏ Núi Pháo do Massan làm chủ đầu tư được đánh giá là dự án hàng đầu thế giới, có thể cung ứng sản lượng lên tới 7% nguồn cung vonfram toàn cầu.

Mỗi năm liên doanh này có thể tinh luyện lên đến 10.000 tấn tinh quặng vonfram. H.C. Starck sẽ vận hành liên doanh và cam kết mua lại phần lớn sản lượng để sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Công ty cũng hỗ trợ việc tiếp thị chào bán phần sản lượng còn lại ra thị trường.

Nhà máy chế biến vonfram của Núi Pháo sẽ vận hành giai đoạn đầu tiên vào tháng tới. Các giai đoạn tiếp theo dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Theo thông nghiên cứu của tổ chức Fraser Institute được công bố đầu năm nay, Việt Nam là một trong những nước có môi trường kinh doanh cho ngành mỏ thuộc loại kém hấp dẫn nhất trên thế giới. Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) vào năm 2012, phần lớn trữ lượng vonfram toàn cầu nằm ở Trung Quốc. Hàng năm quốc gia này sản xuất ra tới 62.000 tấn, chiếm khoảng 85% sản lượng toàn cầu.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã áp dụng hạn ngạch sản xuất và xuất khẩu vonfram và giảm dần quota xuất khẩu từ 18.100 tấn năm 2002 xuống còn 15.400 tấn năm 2012. Điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến như H.C. Starck buộc phải tìm kiếm các đối tác ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.

 

 

Minh Trí

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo