Metro đổi tên nhưng chưa... đổi vận
Từng đầy hấp dẫn
Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Ngay khi bước vào kinh doanh tại Việt Nam, Metro đã được biết đến không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm, hàng hóa bán buôn và còn có mức giá cạnh tranh trên thị trường.
Sở hữu lượng khách hàng khổng lồ và lượng tiêu thụ hàng hóa vượt trội nên Metro Cash & Carry từng là mảng kinh doanh đem lại nhiều doanh thu nhất cho tập đoàn đến từ Đức này.
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những doanh nghiệp trong danh sách "đen" thua lỗ lớn nhất tại Việt Nam khi trong 12 năm có mặt trên thị trường luôn báo lỗ. Doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn qua các năm, từ 608 tỷ đồng trong năm 2002 lên 14,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2013. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, Metro lỗ từ 89 đến 160 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài, đại diện của Metro đã cho rằng do phải tập trung mở rộng đầu tư. Cụ thể là, Metro phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn như đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý… mới có thể xây dựng được một trung tâm bán sỉ, con số đó tương đương với khoảng 300-400 tỷ đồng.
Mặc dù liên tục báo lỗ nhưng Metro lại là "miếng mối ngon" của nhiều đại gia thế giới. Trong đó, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont có vẻ “mê” Metro nhất. Nhiều hơn một lần, công ty Berli Jucker của vị tỷ phú này “gõ cửa” Metro Việt Nam.
Năm 2013, Lan Dhanin Chearavanont rậm rịch hỏi mua Metro từ Metro “mẹ” ở Đức với giá 500 triệu USD nhưng đại gia bán lẻ Đức - Metro Group từ chối lời đề nghị béo bở này. Có lẽ tại thời điểm đó, Metro “mẹ” vẫn chưa muốn bỏ thị trường Việt Nam nên tỷ phú Thái chỉ nhận được cái lắc đầu.
Người phát ngôn của Metro Group khi đó khẳng định: “Mảng kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam không phải để bán”.
Tuy nhiên, tới năm 2015, chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry (Đức) gây bất ngờ khi quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan. Tập đoàn TCC của Thái Lan đã quyết định chi ra 655 triệu euro để mua lại 19 trung tâm Metro Việt Nam.
Thương vụ M&A gây chấn động bởi con số mà tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chi ra lớn chưa từng có trong lịch sử các hoạt động mua bán sáp nhập. Một lý do khác, đó là hoạt động kinh doanh nhiều uẩn khúc của Metro Việt Nam.
Những năm tháng đen tối kéo dài
Sau khi Metro rút lui và sang nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh cho tập đoàn TCC, đầu năm 2016, chuỗi bán sỉ này đã thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên thành MM Mega Market. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng, với 100% vốn nước ngoài.
Những tưởng đổi tên có thể đổi vận, nhưng kết quả kinh doanh của MM Mega Market thậm chí còn không bằng giai đoạn trước.
Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. Mức doanh thu này chỉ tương đương với doanh thu năm 2010 khi số trung tâm Metro chỉ bằng một nửa hiện tại.
Doanh thu giảm mạnh, công ty cũng tiếp tục hành trình thua lỗ của Metro. Trong năm 2016, MM Mega Market báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên, MM Mega Market không phải thua lỗ do mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên 19 trung tâm mà Metro sang nhượng lại, chưa có động thái mở rộng thêm.
Bất chấp việc thâu tóm các hệ thống của Việt Nam không mang lại hiệu quả kinh doanh như ý, những năm qua tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi vẫn rất tích cực thâu tóm các doanh nghiệp Việt. Berli Jucker, một doanh nghiệp khác của vị tỷ phú này đã thâu tóm lại CTCP Thái An Việt Nam, thành viên của tập đoàn Phú Thái - đơn vị bán sỉ lớn ở miền Bắc.
Năm ngoái, công ty thành viên nòng cốt khác của tỷ phú Thái Lan là ThaiBev cũng xác lập kỷ lục M&A mới tại Việt Nam sau khi chi 4,8 tỷ USD mua lại 53% cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco). Hiện tại, Thaibev tiếp tục tăng tỷ lệ nắm giữ tại một doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Vinamilk.
End of content
Không có tin nào tiếp theo