Doanh nghiệp - Doanh nhân

Microsoft kì vọng gì vào chủ tịch mới John Thompson?

Ngày 4/2, John Thompson chính thức trở thành chủ tịch của Microsoft. Đảm nhiệm vai trò mới, Thompson sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi công ty đang cố gắng tạo ra luồng sinh khí mới cho công ty.

John Thompson được bổ nhiệm làm chủ tịch của Microsoft kể từ ngày 4/2/2014. Ảnh: Getty.

Thompson sinh tại New Jersey trong một gia đình người Mỹ gốc Phi. Sau đó, ông cùng gia đình chuyển tới Florida sinh sống. Thompson tốt tốt nghiệp trường ĐH Florida A&M chuyên ngành Quản trị Kinh doanh trước khi lấy bằng thạc sỹ theo chương trình học bổng Sloan tại trường ĐH MIT Sloan School of Management.

Năm 2012, Microsoft bổ nhiệm Thompson vào hội đồng quản trị công ty. Đây chính là thời điểm áp lực về việc cải tổ ban lãnh đạo bắt đầu gia tăng. Ông được giao trọng trách tìm người lãnh đạo mới cho Microsoft để thay thế cho Steve Ballmer.

Ngày 4/2/2014, ban giám đốc Microsoft chính thức thông báo Satya Nedella chính thức trở thành giám đốc điều hành mới của công ty. Đồng thời, Thompson cũng chính thức thay thế nhà sáng lập Bill Gates giữ chức chủ tịch công ty.

Cả Thompson và Nadella đảm nhiệm chức vụ mới dưới áp lực rất lớn từ phía các nhà đầu tư sau nhiều năm thất bại trong các lĩnh vực quan trọng như thị trường điện thoại thông minh hiện đang được Apple thống trị hay dịch vụ tìm kiếm hiện là thế mạnh của Google.

Tuy nhiên, trái ngược với Nadella, Thompson có hàng chục năm kinh nghiệm làm giám đốc điều hành. Ông từng làm giám đốc điều hành cho Symatec trong vòng 10 năm trước khi ông từ chức vào năm 2009. Trước đó, Thompson cũng làm việc tại nhiều bộ phận như bán hàng, tiếp thị và phát triển phần mềm của IBM trong vòng 28 năm.

James Socas, nguyên trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp của Symantec, chia sẻ: “John có tầm nhìn chiến lược vô cùng sâu rộng. Đồng thời, ông cũng là một trong số những nhà truyền thông tốt nhất mà tôi từng làm việc cùng nhờ khả năng phân tích những thông điệp phức tạp về công nghệ và giải thích chúng một cách đơn giản”.

Khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Symantec, Thompson chính là người đưa ra những quyết định rất cứng rắn để thay đổi công ty bằng việc thu hẹp lĩnh vực trọng tâm của công ty.

Tại thời điểm đó, Symantec hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực từ cung cấp các công cụ và cơ sở dữ liệu phát triển phần mềm cho tới việc lưu trữ thông tin liên lạc khách hàng. Thompson đã bán hoặc đóng cửa một số sản phẩm phụ, đồng thời phát triển lĩnh vực an ninh thông qua một loạt các thương vụ mua lại và xây dựng đội ngũ bán hàng lớn mạnh.

Socas nhận định: “Thompson đã đưa ra những quyết định khó khăn bởi vì, tại thời điểm đó, dịch vụ bảo mật cho màn hình không được coi trọng như hiện nay”.

Trong 10 năm ông làm việc tại Symantec, doanh thu hàng năm của công ty đã tăng từ 600 triệu USD lên 6 tỷ USD. Cũng nhờ có ông, Symantec đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu về dịch vụ an ninh máy tính.

Nhiều người cho rằng, Microsoft và Symantec có nhiều điểm tương đồng, nhất là những khó khăn mà cả hai công ty gặp phải.

Cả hai công ty đều phát triển dựa trên hai lĩnh vực: phần mềm doanh nghiệp và tiêu dùng. Sau những thành công ban đầu, cả Microsoft và Symantec đều trải qua thời kì suy thoái do những biến động của thị trường.

Giống như Symantec 25 năm về trước, Microsoft hiện đang đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực. Phần mềm Windows, máy trò chơi Xbox, máy tính bảng Surface, dịch vụ điện toán đám mây và thanh công cụ tìm kiếm Bing tất cả cần phải cạnh tranh để giành được sự quan tâm và đầu tư. Nếu không sẽ bị loại bỏ.

Với trọng tâm phát triển dịch vụ điện toán đám mây và phần mềm doanh nghiệp, việc bổ nhiệm Nadella, Phó chủ tịch điều hành mảng Doanh nghiệp và Dịch vụ Điện toán đám mây của Microsoft, làm giám đốc điều hành mới là quyết định sáng suốt và phù hợp nhất mà Thompson và ban lãnh đạo công ty đã đưa ra.

Với những kết quả mà Thompson đã đạt được tại Symantec và bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý công ty, Thompson được coi là người phù hợp nhất với vai trò là người cố vấn cho Nadella hiện nay.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo