Hỗ trợ doanh nghiệp

Miếng bánh lớn vẫn trong tay DN FDI

Năm 2014, lần đầu tiên Đồng Nai xuất khẩu vượt ngưỡng 13 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn miếng bánh này vẫn đang thuộc về khu vực FDI khi kim ngạch của DN FDI và DN trong nước lần lượt là 11,3 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu Đồng Nai tăng trên 19% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khó khăn là một tín hiệu tốt. Nhưng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất trong toàn tỉnh cũng lên đến 12,5 tỷ USD và chỉ xuất siêu 0,5 tỷ USD. Thực tế đó cho thấy, sản xuất và xuất khẩu của Đồng Nai đang lệ thuộc vào nước ngoài, từ đầu vào đến đầu ra.
 
Được biết, DN trong nước đóng trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Thế mạnh của những DN này là xuất khẩu nông sản, nhưng mấy năm gần đây, một số loại nông sản xuất khẩu giá bấp bênh. Còn 3 nhóm hàng có xuất khẩu lớn là: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ nguyên liệu phải nhập khẩu từ 80-95%, con số này cho thấy sự lệ thuộc khá lớn. Hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được số lượng nhỏ cho các DN sản xuất, có nghĩa là công nghiệp hỗ trợ còn rất yếu. Các DN chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng vẫn thấp.
 
Hiện nay, VN đã ký kết 8  hiệp định thương mại song phương, đa phương và nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu đã tiến hành cắt giảm thuế theo lộ trình. Trong đó, nhiều sản phẩm xuất khẩu có thuế suất về 0%. Đây là cơ hội cho DN trong nước đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường sang các nước này. Nếu bỏ qua thị trường tiềm năng với nhiều ưu đãi, DN trong nước sẽ ngày càng co cụm.
 
Theo nhận định của ông Huỳnh Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai: “Các DN FDI theo rất sát tiến trình VN tham gia các hiệp định thương mại. Họ thường xuyên liên hệ cơ quan chức năng, hỏi về những sản phẩm được cắt giảm thuế và thời gian áp dụng để xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm tận dụng mọi ưu đãi tăng sức cạnh tranh. Trong khi đó, DN trong nước lại khá lơ là, ít quan tâm đến việc này”.
 

Qua khảo sát thực tế, có nhiều điểm mà DN trong nước đang “thua”, trong đó quan trọng là DN nước ngoài dù lớn mạnh vẫn tìm cách liên kết với nhau để cùng hợp tác phát triển bền vững. Còn DN trong nước lại hay “giữ miếng”, ngại hợp tác và đôi khi còn cạnh tranh không lành mạnh với nhau. DN nước ngoài chọn lựa rất kỹ đội ngũ kinh doanh, luôn chủ động tìm đến những khách hàng có nhu cầu và chăm sóc khách hàng khá tốt. Trong khi DN Việt khá yếu trong khâu này nên giảm sức cạnh tranh, mất nhiều cơ hội ký hợp đồng các đơn hàng lớn. 

Theo DDDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo