MobiFone tách khỏi VNPT: Kẻ cười, người khóc...
Mất Mobifone, VNPT sẽ rất chật vật về lực và thế trên thị trường, vì mất gần 50% doanh số và 70% lợi nhuận.
Chiều 1.4, bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son công bố, Chính phủ đã đồng ý tách Mobifone ra khỏi tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) để thành lập một tổng công ty riêng trực thuộc bộ TT&TT.
Dù lộ trình và những thủ tục còn nhiều phức tạp nhưng việc Chính phủ đồng ý để Mobifone “ra riêng” là nhằm tạo lập thế “chân vạc” trên thị trường viễn thông Việt Nam, giữa ba nhà mạng vốn đang chiếm 95% thị phần di động Việt Nam đó là: Mobifone, Viettel và Vinaphone.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Mobifone cho biết, đến nay vẫn chưa nhận quyết định nhưng có lẽ trong tháng 4 này Mobifone sẽ có quyết định tách.
Mobifone thở phào, VNPT chới với
Bộ trưởng Son nói rằng, Chính phủ đồng ý cho Mobifone được tách ra khỏi VNPT mà không phải tách kèm theo 65 doanh nghiệp như trong đề án trước đây. Bộ trưởng Son cho rằng, tách Mobifone ra khỏi VNPT là phương án tốt nhất vì nhà mạng này là thương hiệu mạnh trong làng viễn thông Việt Nam và khu vực, có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh... Cho nên khi cổ phần hoá, thương hiệu Mobifone vừa đem lại giá trị vừa hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì mục tiêu trên, việc Chính phủ không buộc Mobifone phải “cõng” 65 doanh nghiệp như dự kiến là muốn thúc đẩy nhanh lộ trình cổ phần hoá nhà mạng này.
Tổng kết năm 2013, trong con số lợi nhuận gần 10.000 tỉ đồng của VNPT thì phần đóng góp của Mobifone khoảng 7.000 tỉ đồng. Mất Mobifone, VNPT sẽ rất chật vật về lực và thế trên thị trường, vì mất gần 50% doanh số và 70% lợi nhuận. Nhưng “nỗi đau” lớn nhất của VNPT là sẽ không được lợi gì xoay quanh câu chuyện Mobifone độc lập và cổ phần hoá. Dù là đồng vốn của Nhà nước nhưng để Mobifone trưởng thành như hôm nay không thể phụ công của VNPT trong vòng 20 năm để nhà mạng này trở thành thành viên chủ lực của VNPT và so kè vị thế số một với Viettel trong lĩnh vực di động.
Người dùng sẽ được lợi?
Với cơ chế hoạt động của các nhà mạng hiện nay, chỉ có một ông chủ, đó là Nhà nước. Như vậy, những chiêu cạnh tranh giữa các nhà mạng hiện nay vẫn là “chiêu vặt”, chưa tạo sự cạnh tranh mang tính đột phá trên thị trường viễn thông. Nói như ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông (nay là bộ TT&TT) “cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông như hiện nay là cạnh tranh chưa hoàn chỉnh, chưa đúng nghĩa”. Theo ông Trực, lĩnh vực viễn thông Việt Nam muốn phát triển buộc phải cổ phần hoá theo từng mô hình doanh nghiệp với mức độ khác nhau để tạo sự cạnh tranh, từ giá cước, dịch vụ nội dung cho đến chất lượng chăm sóc khách hàng.
Hiện nay, giới chuyên gia và chính bản thân Mobifone cũng xác nhận chưa có thể nói gì về chiến lược kinh doanh trong tương lai nhưng về mặt lý thuyết, khi Mobifone sau khi cổ phần sẽ tạo ra một thế lực cạnh tranh theo đúng nghĩa thị trường, có nghĩa là người dùng các dịch vụ di động nói chung, không riêng gì mạng Mobifone sẽ được lợi.
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ nội dung số tại TP.HCM cho rằng, trước đây gọi là cạnh tranh nhưng thực chất chỉ có Viettel và VNPT, nhưng khi Mobifone tách ra, sẽ xác lập thêm một thế lực cạnh tranh mới sẽ làm mức độ cạnh tranh quyết liệt hơn về chất lẫn lượng. Điều đó có nghĩa là người dùng sẽ được lợi nhiều hơn. Nhưng cũng có ý kiến cảnh tỉnh: “Dù cổ phần hoá nhưng vì Mobifone vốn là doanh nghiệp nhà nước, lại hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nên Nhà nước nắm cổ phần đa số, chịu những ràng buộc cạnh tranh nhất định”.
Theo Thế giới Tiếp thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo