Một doanh nhân phương tây: Sống cho “tâm hồn”
Làm giàu là để kiếm sống, khẳng định thành tựu bản thân, năng lực, trí tuệ, đóng góp cho đời. Nhưng con người ta cả một đời mang tài năng và trí tuệ của mình lao vào làm ăn, kiếm tiền, dù ở nước mình hay nước người, rồi cũng trở về với “chính mình” trong tấm thân bèo bọt của con người trên cõi trần tạm bợ này thôi...
Đà Lạt cũng là nơi trú ẩn cuối cùng...
Ngày Nguyễn Dũng mất, Thomas Hooft thẫn thờ. Tôi nhìn sự tất bật của ông lo cho đám “ra đi” của nhân viên mình, cùng vẻ mông lung suy nghĩ hoang vu nào đó rất vô lượng nơi ánh mắt. Nguyễn Dũng về nằm ở nghĩa địa vùng ngoại ô Đà Lạt, ấp Thái Phiên. Nguyễn Dũng là người cùng với Thomas Hooft gầy dựng nên Dalat Hasfarm khi nó còn là đồi trọc ở vùng Đa Thiện, mà Hooft là “kiến trúc sư trưởng” còn Nguyễn Dũng cùng ông thi công từng nấc. Lúc người ta chôn Dũng, cũng là lúc Hooft quyết định chọn một chỗ ngay sát nhân viên và cũng là người bạn Việt thân thiết của mình ở nghĩa địa trên.
Một doanh nhân phương Tây, tha hương đến Việt Nam để “kiếm tiền”, thành đạt, giàu có, mà giản dị với cái “chết” đến thế. Để quyết định điều này, trong lòng người ta đã có cốt cách và ý nghĩa sâu thẳm đâu đó về nó rồi. Bác sĩ A.Yersin khi tìm ra Đà Lạt sau đó đã chọn chết ở Suối Dầu (Diên Khánh, Khánh Hòa), thì nay doanh nhân lãng tử Thomas Hooft cũng chọn trao thân mình cho Đà Lạt.
Hooft có một khoảng hẫng hụt kéo dài khi Nguyễn Dũng mất đi. Vốn sống điều độ, khoa học, nhưng chợt ông thích uống chút rượu mỗi đêm về. Cái tình trong ông bát ngát đến độ làm bao người Việt ở Dalat Hasfarm phải nghiêng mình. Suốt hai năm sau khi Nguyễn Dũng mất, ở Dalat Hasfarm, những khi vào thăm Dalat Hasfarm tôi vẫn thấy chỗ ngồi của ông giám đốc dự án đã khuất để nguyên như vậy. Ông nói với những nhân viên rằng: “Để thế tưởng niệm Dũng!”. Ai có thể yêu con người và sống nghĩa khí, chân tình, thủy chung với người đến vậy hè!?
Là nhà sáng lập, tổng giám đốc, nhưng ông đưa 2.000 nhân viên của Dalat Hasfarm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong cái tình người mênh mông ấy. Một tập đoàn lớn đến từ nền văn hóa châu Âu, mà làm việc và sống như một “gia đình”. Người ta chẳng lạ khi nhiều lần đi xuống các “farm”(khu vực trang trại), bất chợt thấy một công nhân nào đó có vẻ mệt mỏi, buồn, Hooft bảo: “Nên về nghỉ ngơi cho khỏe ra đi, khi nào hết trở lại công ty làm cũng được!”. Không đầu môi chót lưỡi, đãi bôi, dông dài, thế thôi. Nghĩa rằng không cần thủ tục, lễ nghi, tình người và con người là trên hết.
Tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt
Trong Dalat Hasfarm không có phân biệt chủ - thợ, sếp - lính, tất cả bình đẳng, chan hòa, ai ở vị trí người đó chu toàn. Ở Đà Lạt, ai được làm trong Dalat Hasfarm là niềm tự hào cho bản thân và gia đình người đó. Không thể thấy bất cứ một lời chê trách nào về Thomas Hooft ở Dalat Hasfarm lẫn bên ngoài phố phường Đà Lạt suốt hơn 20 năm qua.
Và chỉ có thể duy nhất ở trang tại Dalat Hasfarm ta mới thấy trong các “farm” bao giờ cũng có một bệ nhang nằm trên lưng chừng một cây trụ nào đó. Trên bệ nhang ấy, nhang được thắp đều và kế bên nó luôn có một bình hoa tươi be bé. Ai cũng biết đó là “sản phẩm” của Hooft. Thần thánh trong ông không biết ở mức độ nào, nhưng tâm hồn và sự tôn trọng văn hóa xứ người quá sâu sắc trong ông. Bệ nhang kia nó độc đáo và đặc biệt, vì Công ty TNHH Agrivina (tên pháp nhân, còn Dalat Hasfarm là tên thương mại) là một công ty phương Tây, nhà đầu tư đến từ Hà Lan.
Có những buổi trưa người ta thấy ông chủ Hooft cầm ổ bánh mì gặm cho qua bữa, ổ bánh mì do chính ông đi mua. Lời đồn “ông Hooft lo cho người hơn lo cho mình” từ công ty lan truyền tự nhiên ra bên ngoài. Như miếng đất ông mua bỏ trống nhiều năm ở đầu dốc Sương Nguyệt Ánh kia, cỏ tốt, người ta lén thả ngựa vào ăn phá, ông tìm chủ ngựa đưa chùm chìa khóa để khi cần họ cứ mở lưới rào để thả ngựa vào ăn vậy. Mãi gần đây, Hooft đã cất được căn nhà ở đầu dốc ấy, thôi kiếp nhà thuê, mà từ vị trí này có thể nhìn xa xa thấy được nông trang của Dalat Hasfarm máu thịt ở khu Đa Thiện. Hooft đã sống trọn vẹn với hoa, với tư cách một nhà đầu tư, một doanh nhân, và thấu trọn với Đà Lạt xa lạ, với tình yêu của mình.
“Người nông dân” giản dị của Đà Lạt
Hooft là thương nhân lớn, giàu có, nhưng mỗi sáng thấy Hooft chỉ ngồi trên chiếc xe máy hiệu Dream chạy từ căn nhà mình thuê ở đường Sương Nguyệt Ánh sang nông trang của Dalat Hasfarm ở đường Nguyên Tử Lực, dù đoàn xe hơi xa xỉ các loại của Dalat Hasfarm cả chục chiếc. Tôi hay đưa tay chào Hooft những lúc này, cũng như những buổi chiều tối thấy ông vắt cái áo len trên cổ chạy thể dục một mình vòng quanh bờ hồ Xuân Hương.
Hooft đã phiêu bạt nhiều nơi, từ châu Phi, Trung Đông, Bắc Mỹ, Nam Mỹ... trước khi sang Indonesia, rồi dừng lại ở Đà Lạt, Việt Nam. Vì tính lang bạt đó, Hooft đã phải chia tay với người vợ Hà Lan, từ dạo dạt đến Indonesia. Hình ảnh trong tôi về Hooft là ông luôn cười tươi nhân hậu với con người mà không để ý họ giàu hay nghèo, có vị trí hay vô danh. Là chất lãng tử và “thanh niên” khi ở tuổi ngoài 60, ông ngồi trên chiếc Vespa xưa cổ kết đầy hoa tươi, vắt chiếc áo khoác vào cổ cứ thế chạy khắp phố phường Đà Lạt như nhiều thanh niên phố núi. Là những góc quán cà phê ông ngồi tư lự nghệ sĩ một mình.
Và điều kỳ lạ hơn, Thomas Hooft bảo “Mình là nông dân Đà Lạt mà!”. Hooft đã từ nhiệm vai trò Tổng giám đốc của Dalat Hasfarm, đảm nhận vai trò cố vấn, và thành viên Hội đồng quản trị.
Cuối tuần qua (1-2-2015), tình cờ đi ngang dốc Sương Nguyệt Ánh, nhìn thấy mọi người dựng lán bạt trước căn nhà ông vừa cất chưa được bao lâu, tôi vào hỏi thăm, mọi người bảo ông mất rồi. Tôi lặng người, chơi vơi.
Mấy tháng nay ông đi đi, về về giữa Hà Lan và Đà Lạt để chữa bệnh và đã ra đi nơi ông được sinh ra. Một phần tro cốt của ông đã được đưa về Đà Lạt nơi ông dành sẵn phần mộ cho mình từ trước.
Con người ông là một vườn hoa mênh mông, không chân trời, và không phải để ta ngắm mà để nghĩ. Cốt của Hooft vượt ra mục tiêu của một doanh nhân, để thành doanh nhân nghệ sĩ, kẻ tự do, thành con người.
Gắn bó với Dalat Hasfarm và là bạn tài tử bất chợt với Hooft suốt hành trình đó, nhưng tôi không hiểu sao đến giờ tôi mới cầm bút, kể chuyện về Hooft. Tôi thấy tôi được thăng hoa, được giải thoát, khi kể về Hooft. Giá mà trần gian có thêm nhiều người như thế, sẽ bớt đi nhiều những chiến tranh, tham lam, và hiểm ác.
Người lãng tử đã làm cuộc công nghiệp hóa ngành trồng hoa Đà Lạt
Đời Hooft là một cuộc lưu lạc lãng tử với hoa. Năm 1992, Hooft bỏ Indonesia để sang Việt Nam lập ra Dalat Hasfarm và làm rạng danh cho nghề trồng hoa Việt Nam suốt hơn hai chục năm qua. Ai cũng biết, Dalat Hasfarm là công ty trồng hoa lớn và nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Diện tích nông trại Dalat Hasfarm giờ đã hàng chục héc ta, mở từ Đa Thiện sang Đa Quí, xuống Phi Vàng ở Đơn Dương, với 120 triệu cành xuất khẩu mỗi năm, hoa xuất đi khắp Đông Nam Á, Nhật và châu Âu.
Chính Thomas Hooft và Dalat Hasfarm của mình đã làm cuộc “cách mạng” cho ngành trồng hoa từ chỗ tiểu nông sang công nghiệp, hiện đại và cao cấp trong nhà kính ở Đà Lạt. “Mô hình Hà Lan” của Dalat Hasfarm đã làm sống động nền nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực hoa, nó sừng sững. Quan chức lớn nào đến Đà Lạt, cũng được chính quyền nơi đây đưa đến Dalat Hasfarm để tự hào. Tất cả những khối nhà kính với tổng diện tích đến 2.000 héc ta ở Đà Lạt ngày nay đều là “tập hợp con” của “tập hợp mẹ” Dalat Hasfarm, và tất nhiên nay thì mô hình này đã có mặt ở nhiều tỉnh thành khác.
TBKTSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo