Hỗ trợ doanh nghiệp

Một sự sàng lọc đắt giá

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9/2011, có gần 49.000 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế, trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp, khoảng 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 31.500 doanh nghiệp ngừng nộp thuế. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.

Những con số đáng báo động

 

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cũng cho thấy là so với năm 2011, trong những tháng đầu năm 2012 số doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính phải đóng cửa đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp.

 

Trước đây, mỗi năm bình quân có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, nhưng riêng năm 2012 con số này sẽ tăng từ 1,5 đến 2 lần so với bình quân các năm trước.



Với tốc độ này, theo dự báo của VCCI, cả năm 2012 số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể lên tới 10% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh hiện nay và đây là một con số đáng báo động.

 

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 21/3/2012 cả nước có trên 15.300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 74.600 tỉ đồng, giảm 8% về số lượng doanh nghiệp và giảm 12% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

 

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kết luận một cách khá lạc quan rằng “mặc dù tình hình kinh tế khó khăn song số doanh nghiệp thành lập mới vẫn lớn hơn số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động”.

 

Dù sao, đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, hiện tượng nhiều doanh nghiệp chết hàng loạt không thể được xem là một dấu hiệu bình thường.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi họp báo thường kỳ vừa qua cũng thừa nhận rằng việc nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể phản ánh một thực trạng là sản xuất có khó khăn, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Tuy nhiên không phải chỉ có đông đảo doanh nghiệp nhỏ ngã xuống một cách thầm lặng, còn có những trường hợp vỡ nợ khá ồn ào của những doanh nghiệp cỡ lớn, với số nợ mất khả năng thanh toán lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

 

Những tác động của việc phá sản hàng loạt doanh nghiệp đối với nền kinh tế không nhỏ. Số lượng công ăn việc làm giảm đi và tỷ lệ người lao động thất nghiệp đang gia tăng.

 

Mặt khác, hệ quả của việc doanh nghiệp phá sản còn tác động xấu đến hệ thống ngân hàng. Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp thép đang nợ ngân hàng khoảng 4.000 tỉ đồng tiền vay để đầu tư vào các dự án sản xuất thép với thiết bị sản xuất nhập khẩu lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao lớn được đưa về với giá cao.

 

Tại Cần Thơ, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản đã mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng số tiền vay lên đến gần 1.500 tỉ đồng.

 

Ba bài học dành cho các doanh nghiệp

 

Chúng ta có thể lên án những doanh nghiệp ngã xuống rằng họ đã không học được những bài học mà những đồng nghiệp của họ ở các nước công nghiệp phát triển đã kinh qua.

 

Bài học thứ nhất: Không nên lạm dụng đòn bẩy tài chính trong thời kỳ lãi suất cao. Trong suốt thời kỳ kinh tế nước ta tăng trưởng trên dưới 7% trong năm năm trở lại đây, lãi suất cho vay tiền đồng của hệ thống ngân hàng ở mức bình quân 15% - 18%/năm.

 

Điều đó hình thành một rủi ro tài chính lớn đối với doanh nghiệp, nhưng cũng trong thời gian đó, sự phát triển bong bóng chứa đầy các yếu tố đầu cơ của giá nhà đất và giá chứng khoán đã khiến cho các doanh nghiệp không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính vượt quá khả năng kiểm soát của họ, và điều này lại được sự đồng thuận của các ngân hàng đang bị lôi cuốn bởi lợi nhuận và kỳ vọng quá lạc quan về tương lai.

 

Tăng trưởng tín dụng trong thời kỳ này có khi trên 40%/năm, và sự hấp dẫn của các khoản lợi nhuận khổng lồ đã khiến cho các doanh nghiệp và cả ngân hàng thiếu cảnh giác về rủi ro thanh khoản và sự an toàn của dòng tiền mặt. Nhưng ai có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của lợi nhuận?

 

Bài học thứ hai: Không nên đầu tư vào những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Có thể nói trong những năm xảy ra bong bóng bất động sản và cổ phiếu ngân hàng, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại đã không ngần ngại sử dụng đồng vốn tự có và những đồng vốn vay để đầu tư vào các dự án bất động sản và mua bán chứng khoán - những lĩnh vực mà họ hoàn toàn không chuyên nghiệp.

 

Điều này đi ngược lại với nguyên tắc vàng của Warren Buffet là không bao giờ bỏ tiền vào những lĩnh vực mà mình không am hiểu. Đây là một kinh nghiệm xương máu và đối với nhiều doanh nhân, họ sẽ không bao giờ còn có cơ hội khác để chuộc lại sai lầm chết người của mình.

 

Bài học thứ ba: Không thể phát triển doanh nghiệp nếu không có những con người quản lý đủ năng lực và đủ đạo đức kinh doanh. Những lỗ hổng về năng lực và đạo đức không phải chỉ có ở những doanh nghiệp nhỏ, không có điều kiện xây dựng nguồn nhân lực chất
lượng cao, mà còn ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

 

Điều này đã dẫn đến những quyết định sai lầm, những thao túng quyền lực và quyền lợi, những thương vụ mua bán đầy mờ ám và tư lợi, tất cả đã đẩy doanh nghiệp, bất kể quy mô hoạt động và tiềm lực tài chính lớn hay nhỏ, đến bờ vực của phá sản.

 

Phải chăng chúng ta nên tự an ủi bằng cách lập luận rằng trong khi nền kinh tế đang chuẩn bị cấu trúc lại, phải có một cuộc thanh lọc nghiệt ngã nhưng cần thiết nhằm loại bỏ những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu ra khỏi cuộc chơi, để dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp có năng lực hơn. Nhưng ai sẽ được coi là người có năng lực hơn để trụ lại trong cuộc chơi này?

 

Doanh nghiệp nào xứng đáng hơn để nhận được các nguồn tài nguyên quý giá của đất nước và đảm bảo rằng sẽ sử dụng các nguồn tài nguyên đó một cách có hiệu quả hơn?

 

Báo chí gần đây đã đề cập đến các trường hợp của các tập đoàn nhà nước lớn, những doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ với nguồn vốn và nguồn nhân lực đáng ghen tỵ ngay cả đối với các công ty đa quốc gia, đã thể hiện năng lực quản lý yếu kém, các quyết định chiến lược đầu tư sai lầm và một sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức trong kinh doanh và điều hành.

 

Nhưng chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ không bị sàng lọc mà sẽ được cứu vãn thông qua các chương trình được gọi là tái cấu trúc, tái điều chỉnh doanh nghiệp tốn kém. Liệu rằng họ có thể được xem là những doanh nghiệp mẫu mực để tiếp tục được hưởng các ưu đãi về các nguồn lực?

 

Cần khắc phục ngay những khiếm khuyết của nền kinh tế

 

Thiếu vốn mua nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản phải hoạt động cầm chừng

 

Do vậy, nếu sàng lọc là điều không thể tránh, chúng ta nên có một sự đánh giá khách quan và công bằng để thấy rằng nguyên nhân ngã xuống của nhiều “chiến sĩ vô danh” trên mặt trận kinh tế không phải hoàn toàn do lỗi của riêng họ.

 

Các chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta cũng có những khiếm khuyết mà nếu không khắc phục được trên tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, những sự sàng lọc đau đớn không tự nhiên sẽ vẫn xảy ra theo một chu kỳ nhất định, điều đó sẽ làm nền kinh tế dễ bị chấn thương và không thể tiến nhanh được.

 

Điều hiển nhiên là tình trạng lãi suất cao kéo dài trong điều kiện tín dụng tăng trưởng nhanh do việc hình thành bong bóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán không thể không khiến nhiều doanh nghiệp vỡ nợ một khi bong bóng tan vỡ.

 

Nhưng việc ngăn chặn bong bóng hình thành tại các thị trường nhạy cảm cũng như phòng tránh nguy cơ đổ vỡ là một bộ phận không thể thiếu trong việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ.

 

Tuy vậy, lãi suất tín dụng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân biến nền kinh tế nước ta thành một nền kinh tế có chi phí cao ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

 

Bên cạnh lãi suất cho vay, thuế suất, giá vật tư nguyên liệu, năng lượng và các chi phí khác không tên như các khoản tiền lót tay nhằm bôi trơn các thủ tục hành chính phiền hà, những khoản bồi dưỡng cho việc sử dụng điện nước và nhiều khoản chi phí tốn kém khác cho việc xây dựng các mối quan hệ thân hữu tuy không liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng rất cần thiết.

 

Ngoài ra, còn các loại phí tổn cơ hội phát sinh từ môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế dân doanh. Chi phí cao sẽ tất yếu khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm. Do vậy, khi phải chịu sức ép cạnh tranh quá mạnh từ nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ yếu của chúng ta đành phải nhường bước.

 

Chính vì vậy, trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Tạo ra môi trường bình đẳng hơn giữa khu vực tư nhân và nhà nước là một trong những yếu tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.

 

Đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ còn sống sót, sự tan rã của các đồng nghiệp kém may mắn sẽ buộc họ co cụm trong chiến lược phòng thủ, hoạt động cầm chừng dựa trên nguồn vốn tự có ít ỏi, phát triển chậm với năng lực cạnh tranh thấp.

 

Ở đầu bên kia của khu vực kinh tế tư doanh, sẽ xuất hiện xu hướng tích tụ tư bản dựa trên những mối quan hệ thân hữu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng, hình thành những ngân hàng lớn và rất lớn, điều này càng làm cho mối quan hệ tín dụng vốn đã mong manh giữa hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp tư doanh nhỏ sẽ trở nên đứt gãy.

 

Lợi ích nhóm sẽ nổi trội, dẫn đến nguy cơ kém hiệu quả của việc sung dụng tài nguyên quốc gia, năng suất lao động chậm cải thiện và khiến nền kinh tế đất nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình nguy hiểm.

 

Theo Doanhnhansaigon

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo