Myanmar: Điểm đến mới của nhà đầu tư
Nắm bắt được xu thế phát triển của Myanmar, ngay từ tháng 4/2010, hai nước đã ký bản tuyên bố chung với quyết tâm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên con số 500 triệu USD vào năm 2015.
Đồng thời, xác định cụ thể phương hướng hợp tác thông qua thỏa thuận 12 lĩnh vực ưu tiên hợp tác, bao gồm: Nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng - tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ô tô, xây dựng, hợp tác thương mại và đầu tư, các hợp tác khác (văn hóa, du lịch, giáo dục…).
Mảnh đất vàng chưa khai thác
Mặc dù sở hữu một lượng tài nguyên thiên nhiên vào hàng “khủng” trong khu vực, với trữ lượng lớn khoáng sản có đá quý (đá Saphia, Rubi) quặng sắt, quặng Boxit, dầu mỏ, măng gan, đá granit, than, đá vôi, cát…cũng như gần đây Myanmar đã có những bước tiến dài trong đổi mới thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc cấm vận tới gần 50 năm, đến nay nền kinh tế Myanmar vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách đặt ra mà chắc hẳn sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể khắc phục được sự tụt hậu so với thế giới bên ngoài.
Hiện nay, kinh tế Myanmar bị liệt vào hạng nước kém phát triển nhất trong khu vực với mức GDP hàng năm vào khoảng 50 tỉ USD. Đây là con số quá nhỏ bé nếu so sánh với nước láng giềng Thái Lan là 348 tỉ USD.
Nền kinh tế Myanmar vẫn trong tình trạng gặp nhiều khó khăn, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn yếu kém, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước, 90% còn lại phải nhập khẩu.
Mặc dù, từ tháng 02/1998 Chính phủ Myanmar đã sớm ban hành Luật đầu tư nước ngoài. Song, do bị Mỹ và phương Tây cấm vận nên đầu tư FDI vào Myanmar còn hạn chế. Theo số liệu thống kê chính thức, kể từ năm 1988 đến nay, Myanmar thu hút được 40,429 tỉ USD giá trị đầu tư nước ngoài với 458 dự án.
Trong số 31 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư tại Myanmar, Trung Quốc chiếm 35% tổng vốn đầu tư với số vốn gần 14 tỉ USD và là nhà đầu tư số một tại nước này, tiếp theo là Thái Lan với 9.57 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiệu quả đầu tư chưa cao, tỉ lệ giải ngân còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách thu hút FDI của Myanmar còn nhiều bất cập, hệ thống dịch vụ ngân hàng, thông tin lạc còn yếu kém và lạc hậu, hàng rào thuế quan quá cao…
Một lĩnh vực khác cũng được các nhà đầu tư quan ngại là Myanmar còn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, đường sắt cũ kỹ và mới ở mức kỹ thuật sơ khai, hiếm khi được sửa chữa. Phần lớn đường giao thông thường không được trải nhựa, trừ các thành phố lớn. Thiếu hụt năng lượng là điều thường thấy trong cả nước.
Phù hợp với hàng hóa Việt Nam
Nhận định về khả năng xâm nhập hàng hoá Việt Nam vào Myanmar, ông Chu Công Phùng - Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xâm nhập vào thị trường Myanmar do hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và Myanmar đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát triển ngoại thương và hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu...
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp và người tiêu dùng Myanmar rất quan tâm tới hàng Việt Nam điều này đã được khẳng định thực tế tại Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanamar gần đây đã ghi nhận hoạt động giao thương kỷ lục với hơn 8.000 giao dịch.
Đồng thời cũng phù hợp với mức tăng trưởng thương mại Việt Nam – Myanmar giai đoạn 2006 – 2010 bình quân 61%/năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2011 đạt 167,2 triệu USD.
Ngoài ra, một lý do khác khiến hàng hoá Việt Nam phù hợp với thị trường Myanmar là luôn có mức giá hợp lý, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu của số đông người dân.
Quan trọng hơn, Myanmar đang bước vào thời kỳ mở cửa, đang chú trọng mở rộng quan hệ ngoại thương với các quốc gia láng giềng nên sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và xây dựng cơ sở kinh doanh vững chắc trong dài hạn.
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần “nhanh chân” hơn nữa để chiếm thị phần Myanmar. |
Bên cạnh đó, phải kể tới một yếu tố khác là Myanmar có gần 60 triệu dân nhưng có tới 98% người dân theo đạo Phật nên con người ở rất thân thiện.
Myanmar còn là thị trường mới mẻ, yếu tố cạnh tranh không nhiều, tiềm năng kinh tế lớn, tài nguyên thiên nhiêu nhiều nhưng chưa khai thác rộng rãi, mức sống của người dân thấp...là những điều kiện rất phù hợp để tiêu thụ các loại hàng hoá của Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, chắc chắn thời gian tới, cơ hội XK các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng và đặc biệt là các mặt hàng vật liệu xây dựng sẽ tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Myanmar sẽ cao.
Chẳng hạn như mặt hàng xi măng, mỗi năm Myanmar đang cần hơn 6 triệu tấn, nhưng trong nước mới sản xuất được 1,5 triệu tấn.Trong khi đây lại là mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam.
“Trâu chậm sẽ... uống nước đục”
Mặc dù có nhiều tiềm năng, song trên thực tế, sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường này vẫn chưa nhiều, theo ghi nhận mới chỉ đạt khoảng 1%, Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa sang Myanmar đứng thứ 14 với các mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam như: thép kim loại đạt kim ngạch cao nhất 19 triệu USD, tiếp theo là nguyên - phụ liệu may mặc (10 triệu USD); thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế (4,5 triệu USD); vật liệu xây dựng (4,5 triệu USD)...
Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu lớn của Myanmar với các mặt đặc sản của quốc gia này như đậu xanh, đậu đen, gỗ tròn các loại,…
Trong khi đó, với hàng loạt động thái kêu gọi đầu tư, tạo cơ hội dễ dàng cho hàng hoá nhập khẩu như: thời gian miễn thuế cho nhà đầu tư nước ngoài kéo dài đến 8 năm, thay vì miễn 5 năm và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo như hiện nay; nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất trong vòng 50 năm đồng thời không bị khống chế mức vốn góp tối đa…
Đặc biệt là động thái Hoa Kỳ và EU ngưng các biện pháp cấm vấn vừa qua đã đưa Myanmar trở thành “ngôi sao” mới nổi và là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn thế giới.
Điều này một lần nữa đã đặt ra những thách thức lớn đến các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam khi mà gần đây có rất nhiều doanh nghiệp các nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hongkong... đã có các kế hoạch cụ thể đưa hàng hoá xâm nhập vào thị trường tiềm năng này.
Trước những cơ hội “vàng” như vậy, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần “nhanh chân” hơn nữa để chiếm thị phần nếu không muốn trở thành “trâu chậm uống nước đục” ở thị trường tiềm năng này.
Sau những thoả thuận đã cam kết của hai Chính phủ, giờ là công việc của các doanh nghiệp, và không ai khác, chính các doanh nghiệp là người sẽ quyết định sự thành - bại của mình tại thị trường Myanmar.
Theo DĐDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo