Năm 2014, thị trường EU là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU năm 2013 và dự báo cho năm 2014?
Ông Vũ Bá Phú: Thị trường EU là một thị trường rất quan trọng đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Kể từ năm 2012, thị trường EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD, vượt xa các thị trường lớn khác như Mỹ, Trung Quốc.
Thị trường EU là một thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam với rất nhiều mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, thủy sản và một số mặt hàng nông sản khác như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… Mặc dù trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều thị trường mới mở ra cũng tạo ra cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường EU có một đặc điểm đây là một thị trường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam với giá trị rất cao. Cùng là mặt hàng cà phê, cùng là mặt hàng thủy sản, tiêu, điều và các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, hàng điện tử, điện thoại nhưng giá nhập khẩu ở thị trường này cao hơn so với các thị trường khác. Theo đó họ cũng đòi hỏi một chất lượng sản phẩm cao hơn.
Có một thông tin tích cực cho các DN xuất khẩu Việt Nam đó là năm 2013 khối EU nói chung đã bước đầu vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế. Đến nay, sau khi thực hiện nhiều giải pháp của thị trường, liên minh châu Âu nói chung dần dần đã ổn định tăng trưởng kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm, thất nghiệp. Chúng tôi hy vọng đến năm 2014 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng và nhu cầu của thị trường sẽ được khôi phục, thương mại quốc tế của EU nói chung và xuất nhập khẩu của EU nói riêng kể cả nội khối và ngoại khối tiếp tục được phát triển.
PV: Thị trường EU là một thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao cho nên các DN xuất khẩu vào thị trường này thường được sự hỗ trợ của nhà nước, theo đánh giá của ông thì hiện nay các DN Việt Nam đã thực sự chủ động trong việc tiếp cận thị trường này hay chưa?
Ông Vũ Bá Phú: Hiện nay, tôi thấy các DN Việt Nam rất chủ động trong việc liên hệ với DN của Bỉ, của EU. Chủ động liên hệ với Thương vụ tại sứ quán để tìm trợ giúp về thông tin, tìm trợ giúp về kết nối. Và việc chủ động này đã tạo ra một kết quả như chúng ta thấy trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn nhưng riêng thị trường EU và thị trường Bỉ vẫn giữ được mức tăng trưởng rất khá, chúng ta vẫn xuất siêu vào thị trường EU.
Tuy nhiên nếu các DN Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc liên hệ với Thương vụ của Việt Nam tại Bỉ, tại EU, tại sứ quán thì chúng tôi có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN, cho các hiệp hội mong muốn đưa hàng hóa xuất khẩu của mình vào thị trường EU.
Một điều nữa mà tôi cũng mong muốn là các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ nên tích cực tham dự các hội chợ tại thị trường sở tại một cách đều đặn, thường xuyên hơn nữa. Vì tập quán kinh doanh ở thị trường EU cũng như thị trường Bỉ thì việc tham dự hội chợ một cách thường xuyên là cực kỳ quan trọng ở chỗ là tạo ra một khái niệm về sản phẩm mới của mình trên thị trường. Từ khái niệm giúp cho người tiêu dùng làm quen với sản phẩm của mình.
PV: Theo ông sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết sẽ mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với các DN Việt Nam?
Ông Vũ Bá Phú: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã tạo ra một kỳ vọng rất lớn đối với DN của cả hai phía, không chỉ với DN Việt Nam mà cả DN của Bỉ và châu Âu. Các DN châu Âu cũng rất mong muốn hiệp định sớm được kết thúc đàm phán để họ được đưa hàng vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi hơn. Và họ có thể nhập khẩu sản phẩm từ thị trường Việt Nam vào EU với mức thuế thấp hơn, từ đó các sản phẩm sẽ có giá cạnh tranh hơn, đem lại nhiều sợ lựa chọn, nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Đây cũng là cơ hội cho DN Việt Nam, khi kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội mở ra với Việt Nam, thứ nhất là về thuế, thứ hai là sự minh bạch, thứ ba là rào cản trên thị trường sẽ giảm đi … Nhờ vậy những mặt hàng như nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, những mặt hàng đòi hỏi sự kiểm soát rất gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc về thuế sẽ được giảm đi rất nhiều.
Một cơ hội rất lớn nữa là khi Hiệp định thương mại kết thúc và có hiệu lực thì thuế và những ưu đãi về nhập khẩu đối với những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, máy móc thiết bị của các nước EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn và dê dàng hơn. Từ việc sử dụng những máy móc thiết bị có hàm lượng công nghệ cao đó sẽ tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá thành cạnh tranh hơn, qua đó các DN Việt Nam sẽ dễ dàng đưa các sản phẩm của mình vào thị trường EU một cách thuận lợi, giữ được nhịp độ tăng trưởng một cách bền vững.
PV: Các DN Việt Nam cần phải lưu ý điều gì để dễ dàng gia nhập thị trường châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực?
Ông Vũ Bá Phú: Theo tôi, không phải chỉ riêng thị trường EU mà với bất kỳ giao dịch thương mại tự do nào cũng thế, để tận dụng tối đa những thuận lợi, những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do mang lại thì các DN Việt Nam cần phải nắm vững được những nội dung cam kết của hiệp định thông qua các cơ quan hoạch định chính sách tại Việt Nam. Từ đó xây dựng một chiến lược trong trung hạn và dài hạn làm sao để tận dụng được những cơ hội, những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do.
End of content
Không có tin nào tiếp theo