Hỗ trợ doanh nghiệp

Nếu không xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo bền vững, VN sẽ phải nhận quả đắng

Là nước có thế mạnh về nông nghiệp, lẽ ra Việt Nam phải nắm thế chủ động về thị trường Trung Quốc vì thực tế Trung Quốc cần Việt Nam hơn thế nhưng hiện nay nhiều ngành nghề trong lĩnh vực này hiện đang phụ thuộc Trung Quốc đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Thậm chí xuất khẩu lúa gạo cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng 5, xuất khẩu gạo cả nước đạt 591.000 tấn, trị giá 259 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 2,65 triệu tấn, trị giá 1,19 tỷ USD. Chiếm 41,75% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay. Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm giảm 10,2% về khối lượng và 7,3% về giá trị.
 
Một tín hiệu tích cực là trong 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 456,19 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Thời gian qua, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo trong tháng 4 giảm sút ở hầu hết các thị trường, nhất là thị trường châu Phi. Riêng thị trường Trung Quốc lại tăng 51%, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu.
 
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc giữ vị trí là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới, bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh của Thái Lan.
 
VFA dự báo, giá gạo xuất khẩu sang thị trường này sẽ ổn định trong tháng 5 và ngay cả tháng 6, trước khi sút giảm do kết hợp nhu cầu yếu từ Trung Quốc (bắt đầu thu hoạch) và thu hoạch vụ Hè Thu trong nước từ tháng 7, làm tăng áp lực giảm giá.
 
Tuy nhiên, VFA cũng cảnh báo, không loại trừ lo ngại, Việt Nam sẽ nhận quả đắng khi phụ thuộc quá lớn vào đối tác Trung Quốc.
 
Số liệu mới công bố từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,04 triệu tấn và 931 triệu USD. Trong đó, đứng thứ nhất là thị trường Trung Quốc với 38,37% thị phần, tiếp đến là Gana, Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 4,8% và 3,79%.
 
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc sản xuất khoảng 142,3 triệu tấn gạo so với tiêu thụ khoảng 146 triệu tấn. Nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2013 - 2014 dự kiến khoảng 3,5 triệu tấn.
 
Việt Nam vẫn nhận thua...
 
Là nước có thế mạnh về nông nghiệp, lẽ ra Việt Nam phải nắm thế chủ động về thị trường Trung Quốc vì thực tế Trung Quốc cần Việt Nam hơn thế nhưng hiện nay nhiều ngành nghề trong lĩnh vực này hiện đang phụ thuộc Trung Quốc đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
 
Thậm chí xuất khẩu lúa gạo cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
 
Nguyên nhân do phần lớn Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, chất lượng gạo còn thấp nên việc xuất khẩu ra nước ngoài khó khăn hơn. Trong khi, Trung Quốc sẵn sàng thu mua mọi sản phẩm mà không cần chú ý nhiều về chất lượng.
 
Vấn đề quan trọng nữa là chưa có những chiến lược phát triển bền vững, thiếu liên kết sản xuất, quan trọng là có đầu ra của gạo khi mà họ tổ chức cánh đồng mẫu lớn.
 
Bên cạnh đó, công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng là điều đáng bàn.
 
Theo GS Võ Tòng Xuân – chuyên gia Nông nghiệp, Trung Quốc với dân số 1,4 tỷ dân, dự đoán sẽ thiếu lương thực trong tương lai không xa. Thực tế Trung Quốc đang phụ thuộc vào Việt Nam nhưng Việt Nam lại không nắm được thế chủ động.
 
Ông phân tích, bản thân Trung Quốc đang phụ thuộc Việt Nam. Họ đâu có đủ lương thực, thực phẩm, lúa gạo vì theo ước tính của các nhà kinh tế đến năm 2020 Trung Quốc sẽ thiếu ăn, thiếu nguồn lương thực ít nhất là 10 triệu tấn.
 
Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ cố gắng sản xuất nhưng họ sản xuất không đủ do dân quá đông nên họ vẫn phải mua của Việt Nam còn mua của Lào cũng không có, Lào phải mua Thái Lan, Campuchia cũng phải mua của Thái Lan trong khi gạo Thái Lan giá cao nên Trung Quốc vẫn còn phải lệ thuộc vào Việt Nam.
 
Việt Nam phải lấy hoàn cảnh này để điều chỉnh không nên bán giá quá thấp để nông dân bị thiệt hại đường xá bị thiệt hại. Việt Nam luôn trong thế chủ động hơn bị động nên bây giờ Việt Nam cần chủ động.
 
Việt Nam phải đặt điều kiện, mua bán chứ không thể cầu cạnh Trung Quốc để bán vì mình biết Trung Quốc cần mình chứ Trung Quốc không thể đi chỗ khác mua. Đồng thời, chất lượng của các sản phẩm cũng cần được chấn chỉnh, chế biến các sản phẩm có chất lượng để bán giá cao hơn.
 
Vị giáo sư kết luận, để xảy ra tình trạng mua rẻ, bán rẻ, thương lái lừa nông dân, để người dân chịu thiệt... là lỗi tại Việt Nam.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo