Nếu không xử lý triệt để vụ phân bón Thuận Phong sẽ là tiền lệ xấu cho doanh nghiệp
Thưa ông, được biết đến hôm nay, video clip vẫn đang thu hút lượng người xem rất lớn. Nhân vật chính trong đó là ông. Nội dung nói về thực trạng và quan điểm xử lý vấn đề phân bón giả, kém chất lượng. Trong đó, ông có nhắc đến vụ việc nổi cộm là phân bón Thuận Phong. Vậy ông có thể chia sẻ về điều này?
Đó chính là tôi. Hôm đó tôi phát biểu tại Hội thảo “Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực trạng và giải pháp”. Hội thảo diễn ra tại Tp. Đà Nẵng ngày 25/5/2018.
Được biết, vụ phân bón Thuận Phong diễn ra đã 3 năm nay. Song thấy ông nhắc đến như là mới và vẫn là vụ việc gây nhức nhối dư luận. Ông có thể cho bạn đọc của Doanh nghiệp Việt Nam biết thêm về việc này?
Tháng 3/2015, khi đó tôi đang công tác tại văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chúng tôi nhận được tin tố giác của quần chúng về việc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) có dấu hiệu sản xuất và lưu hành phân bón giả. Từ nguồn tin đó, chúng tôi đã xác minh lại. Ngày 24/4/2015, các cơ quan liên ngành đã phối hợp mở kho của công ty này (tại tỉnh Đồng Nai), nằm trên đất của Bộ Quốc phòng, phát hiện những dấu hiệu của sai phạm. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã bắt quả tang các công nhân đang sang chiết, đóng gói phân bón vào các bao bì, chai lọ có tem nhãn xuất xứ USA nhưng thực tế được in tại Việt Nam. Đó là những tem nhãn làm giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Việc này nhiều báo đã đưa tin. Tại đây, một lượng lớn phân bón bị bắt quả tang giao cho công an tỉnh Đồng Nai xử lý. Còn lại 29 mẫu sản phẩm giao cho QLTT tỉnh Đồng Nai đưa đi giám định. Tại biên bản kiểm tra, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong Khiếu Mạnh Tường đã ký vào biên bản phạm tội quả tang.
Kết quả giám định lần 1 tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, 19/29 mẫu phân bón của Thuận Phong sai phạm, hàm lượng chất chính đều dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng đăng ký. Kết quả giám định lần 2 do Công ty SGS Việt Nam và Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Đông Nam Bộ thực hiện theo yêu cầu của Công ty Thuận Phong, 19 mẫu phân bón vẫn có hàm lượng chất chính dưới 70%. Thậm chí, có tới 17 mẫu có kết quả thử nghiệm thấp hơn lần 1. Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong Khiếu Mạnh Tường đã ký xác nhận kết quả của 2 lần thử nghiệm các sản phẩm kém chất lượng, không đủ chỉ tiêu chất lượng.
Với kết quả giám định như trên, căn cứ theo Nghị định 185 của Chính phủ, Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Qua đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia xác định, đây là vụ việc nghiêm trọng cần được chấn chỉnh ngay, lập lại thị trường về sản xuất, kinh doanh phân bón. Trở lại năm 2013, Công ty Thuận Phong đã bị UBND tỉnh An Giang xử phạt 45 triệu đồng về việc sản xuất kinh doanh phân bón giả. Theo quy định của luật pháp, vi phạm lần thứ hai thì phải khởi tố hình sự.
Ông nói phải khởi tố hình sự liệu có phải là nói quá không? Vì vụ việc này đã được các phương tiện truyền thông nói đến rất nhiều qua mấy năm nay. Song dường như mọi việc vẫn có vẻ như “án binh bất động”. Vậy đâu là sự thật?
Các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Thuận Phong là rất rõ ràng. Sự việc cũng đã diễn ra 3 năm nay gây bức xúc dư luận và hơn 60 triệu nông dân về vấn nạn phân bón giả. Không chỉ vậy, đã có đến 6 bộ, ngành vào cuộc, đích thân 2 đời Phó Thủ tướng đương nhiệm chỉ đạo phải giải quyết triệt để. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, với các bằng chứng đã có, sự việc phải được đưa ra khởi tố. Song sự thật không phải như vậy mà đã trở nên phức tạp hơn.
Ý ông muốn nói, các cơ quan chức năng không thực thi đúng nhiệm vụ phải làm và có dấu hiệu không tuân lệnh cấp trên? Thậm chí, xem chỉ đạo của 2 Phó Thủ tướng như trò đùa?
Theo tôi, không đưa sự việc ra khởi tố chính là dấu hiệu không tuân theo chỉ đạo của cấp trên. Không tuân theo kỷ cương, trật tự của pháp luật. Mới đây nhất, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra các dấu hiệu vi phạm của Công ty Thuận Phong về kinh doanh trái phép; giả mạo nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa; sản xuất phân bón giả. Tuy nhiên, vụ việc vẫn rơi vào im lặng khó hiểu.
Như ông nói thì vụ việc tưởng chừng như rất rõ ràng đã trở nên phức tạp, khó hiểu. Vậy trong một cuộc Hội thảo như trên, ông đã xới lại nó. Có phải ông vẫn kỳ vọng gì đó?
Không hẳn kỳ vọng mà tôi có niềm tin, vụ việc Thuận Phong phải được xử lý nghiêm trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Phải lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón để lấy lại niềm tin cho nhân dân. Nếu phát hiện những ai cố tình bao che, làm sai lệch hồ sơ, bỏ lọt tội phạm cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo tôi, nếu không khởi tố Thuận Phong, trật tự quản lý Nhà nước về phân bón sẽ phá sản. Niềm tin của hơn 60 triệu nông dân với Chính phủ sẽ ảnh hưởng và công lý, niềm tin vào pháp luật sẽ tổn thương nặng nề. Vụ việc này cũng đã được 5 công ty luật kiến nghị khởi tố. Bản thân tôi, được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác chống hàng giả trong lực lượng QLTT cũng giảm sút niềm tin nghiêm trọng.
Nếu không xử lý triệt để thì Công ty Thuận Phong sẽ tiền lệ xấu để các công ty, các doanh nghiệp khác sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu như sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng mà chỉ bị phạt hành chính thì quản lý của Nhà nước về thị trường phân bón là không hiệu quả và thất bại.
Tuy nhiên, chúng ta hãy chờ xem. Tôi tin, việc này sẽ được Đảng và Chính phủ xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Cảm ông ông! Chúng tôi, cơ quan truyền thông luôn đồng hành cùng doanh nghiệp cũng mong như vậy. Xử lý các doanh nghiệp làm ăn gian dối cũng chính là bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Làm cho môi trường kinh doanh trở nên lành mạnh hơn.
“Căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về việc xác định hàng giả, Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi sản xuất 19 loại phân bón (đã được giám định 02 lần) của Công ty CP SX&TM Thuận Phong là hành vi sản xuất phân bón giả”.
( Trích công văn của Bộ Tư pháp) |
End of content
Không có tin nào tiếp theo