Quốc tế

Nga nhất trí với phương Tây ủng hộ liên bang hóa Syria

(DNVN) - Các phe chủ chốt tham gia đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria đang xem xét khả năng liên bang hóa quốc gia này để toàn vẹn lãnh thổ.

Nga và một số cường quốc phương Tây ngày 11/3 đã lên tiếng ủng hộ giải pháp liên bang hóa lãnh thổ Syria của các lực lượng chủ chốt tham gia đàm phán hòa bình giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm ở quốc gia Trung Đông này.

Khả năng liên bang hóa Syria sẽ duy trì được sự toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời trao quyền tự trị rộng rãi cho chính quyền khu vực. Ý tưởng liên bang hóa Syria đang thu hút sự quan tâm của các bên tham gia cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura.

Nguồn tin từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết ý tưởng này đã được trình lên Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura. "Nếu muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Syria, có nhiều mô hình liên bang hóa khác nhau" song không nói rõ cấu trúc liên bang tiềm tàng của Syria.

Trước đó, Đặc phái viên de Mistura đã đề cập khả năng thảo luận việc liên bang hóa Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng không loại trừ ý tưởng này song cho rằng bất cứ cải cách nào cũng phải là kết quả của cuộc đối thoại giữa những người Syria và tiến hành trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp.

Thể hiện quan điểm về giải pháp này, Điện Kremlin tuyên bố việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria mang ý nghĩa sống còn với Nga. Trả lời báo giới, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ Syria có thể là "nền móng" cho nhiều quốc gia và là một ưu tiên của Nga.

Cũng theo ông Peskov, Nga hy vọng tất cả các phái đoàn liên quan sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Syria tại Geneva vào tuần sau. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cần đưa ra quyết định cho phép người Kurd ở Syria tham gia hòa đàm. Ông Lavrov cho rằng tiến hành đàm phán hòa bình mà không có sự tham gia của người Kurd sẽ "thể hiện sự yếu đuối" của cộng đồng quốc tế.

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo